Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Viện trưởng Bùi Tất Thắng cho biết, cho đến nay, đất nước ta đã qua 3 kỳ Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội là: 1991-2000; 2001-2010; và 2011-2020. Mỗi giai đoạn có những bối cảnh lịch sử cụ thể nên bên cạnh nhiệm vụ dài xuyên suốt ở tầm Cương lĩnh, đều có các nhiệm vụ chiến lược riêng, đặc thù. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng chiến lược cần được bàn thảo kỹ càng ngay từ đầu, từ cách tiếp cận đến những nội dung chính cần nghiên cứu; và sau nữa là cách thức tổ chức nghiên cứu xây dựng chiến lược nhằm động viên được nhiều nhất trí tuệ của đông đảo mọi người, nhất là các nhà khoa học, sao cho có được bản chiến lược có chất lượng khoa học tốt nhất, trình Đại hội XIII của Đảng.
Hội thảo lần này tập trung vào 04 nội dung chủ yếu sau: Một là, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Hai là, nhận diện những vấn đề lớn nổi lên cần đặc biệt quan tâm đối với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Ba là, bước đầu đề xuất ý tưởng về chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020-2030; và Bốn là, cách thức tổ chức nghiên cứu xây dựng chiến lược.
Hội thảo đã nhận được 11 bài tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam và các nhà quản lý như: GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái; PGS.TSKH. Võ Đại Lược; PGS.TS. Lê Xuân Bá; GS.TS. Lê Du Phong; TS. Cao Viết Sinh; TS. Nguyễn Bá Ân; TS. Trần Hồng Quang;… Các ý kiến cho rằng, hiện nay bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, tình hình trong nước cũng có nhiều thay đổi vì vậy đòi hỏi cách tiếp cận khoa học và mang tính đột phá. Trong giai đoạn mới, chúng ta cần nhìn thẳng vào tình trạng thực tế và cần có những đột phá chiến lược.
Kết thúc hội thảo, Viện trưởng Bùi Tất Thắng chân thành cảm ơn những bài tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các bài tham luận và ý kiến đóng góp sẽ được Viện Chiến lược phát triển tổng hợp và biên tập thành Kỷ yếu hội thảo để làm cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo./.
Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.