Theo Quyết định, việc lập
quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục
tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ
2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước,
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các điều ước quốc
tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định
của pháp luật về quy hoạch.
Quy hoạch Thành phố phải gắn
với tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, trình độ
phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và châu Á, tạo sự
đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa
trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới
sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của
người dân ở mức cao.
Thể hiện được tầm nhìn và
quan điểm đổi mới mạnh mẽ trong tư duy phát triển. Đảm bảo tính tổng thể, đồng
bộ giữa các ngành; tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự
án đầu tư; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn Thành
phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai; thống nhất
đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm
nhìn đến năm 2060.
Tận dụng tối đa giá trị địa
kinh tế - chính trị của Thành phố, các cơ hội liên kết giữa Thành phố với vùng
Đông Nam Bộ, với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung Bộ,
Tây Nguyên, cả nước và quốc tế (đặc biệt là các quốc gia trong khu vực); khả
năng khai thác hành lang kinh tế Bắc Nam; khả năng khai thác các Hiệp định
thương mại mà Việt Nam đã ký kết để phát huy vai trò hạt nhân Vùng Kinh tế trọng
điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế cả nước.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát
triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc
phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội,
thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường
sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo nền tảng cho phát triển trên
cơ sở tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xác định
khoa học và công nghệ là động lực phát triển, là chìa khóa để Thành phố Hồ Chí
Minh bắt kịp và vượt một số thành phố lớn khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu lập quy hoạch là sắp
xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ
thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử
dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố một cách khoa học,
hợp lý trên cơ sở cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng trên địa
bàn Thành phố để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của Thành
phố phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện thực hóa mục tiêu, định
hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các nhiệm vụ và giải
pháp chủ yếu của Thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ
Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; xác định mô hình phát triển mới, các
khâu đột phá chiến lược; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới
sáng tạo; đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư; phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tề tuần hoàn để
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước,
phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương
mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030; trở
thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á vào năm 2045…
Nguyên tắc lập quy hoạch phải
đảm bảo sự tuân thủ, bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số
37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện một số
điều của Luật Quy hoạch, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng
bộ giữa quy hoạch với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030,
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của cả nước, các chiến lược
phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; cụ thể hóa quy hoạch tổng thể
quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trên địa bàn Thành phố; chiến lược quốc gia về
tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đảm bảo tính khả thi trong
triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của Thành phố
thời kỳ 2021-2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050;
xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và
vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm
nhẹ rủi ro thiên tai; phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên
kết vùng…
Tại Quyết định, Thủ tướng
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên
và Môi trường và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được
giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu
quả.
Giao Ủy ban nhân dân Thành
phố Hồ Chí Minh căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định,
tổ chức lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập quy hoạch,
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với
quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo phù hợp
với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy
định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thưòng vụ Quốc
hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017./.
Theo Tùng
Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư