Tham dự phiên họp có Thứ trưởng
Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng là đại diện của
các bộ, ngành và các chuyên gia phản biện. Về phía tỉnh Thanh Hóa có Bí thư tỉnh
ủy Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và đại diện các sở, ngành
liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ
trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng
quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của
từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch như "một
người công binh mở đường” để phát huy, khai thác hết tiềm năng, lợi thế nổi trội
của địa phương và từng vùng, miền. Do vậy, phải sẵn sàng thích nghi với các
thách thức mới, xu hướng mới, tiềm năng mới đang liên tục xuất hiện trên toàn cầu
để chủ động tạo cơ hội mới nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới để xây
dựng con đường phát triển của địa phương.
Với mục tiêu là công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước và vượt qua mức thu nhập trung bình, trở thành đất
nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm
2045.. Chúng ta cần chủ động kiến tạo trong quá trình phát triển, ứng phó kịp
thời với các thách thức mới, chủ động quyết định con đường đi theo lối kiến tạo
để phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng đất nước nước phồn vinh và thịnh
vượng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thanh Hóa là một tỉnh đông
dân, diện tích tự nhiên lớn và lực lượng lao động dồi dào, vì vậy cần biến nó
thành lợi thế, động lực phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành
viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia quy hoạch tham gia ý kiến để tỉnh Thanh
Hóa hoàn thiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và phù hợp với điều kiện
thực tiễn của tỉnh, đảm bảo chất lượng phát triển. Đồng thời đánh giá cao tỉnh
Thanh Hóa đã tích cực tiến hành công tác lập quy hoạch, sớm hoàn thành kế hoạch
lập quy hoạch và trình Hội đồng thẩm định xem xét.

Bí
thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu. Ảnh: MPI
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ
Trọng Hưng cảm ơn các ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và cho biết,
tỉnh Thanh Hóa xác định việc lập quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm
trong nhiều năm qua và nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2045 tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 14/11/2019, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức
lập Quy hoạch tỉnh và tích hợp đầy đủ phương án phát triển của từng ngành, lĩnh
vực vào quy hoạch. Tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia; các Bộ, ngành Trung
ương và UBND các tỉnh trong khu vực; các thành phố là cực tăng trưởng phía Bắc
của Tổ quốc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện.
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã
hoàn thành theo quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và nhiệm vụ lập
quy hoạch đã được phê duyệt. Với mục tiêu là phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa
nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp quy mô lớn,
giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp
chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi
nhọn; tập trung phát triển 04 trung tâm kinh tế động lực, 06 trụ cột tăng trưởng,
06 hành lang kinh tế và 05 vùng liên huyện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở
thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình
quân cả nước và đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển
toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Dự thảo quy hoạch tỉnh Thanh
Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm là tập
trung nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển các ngành dịch vụ; đẩy
mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp;… và đã nhận được các ý kiến góp ý
thẳng thắn, trách nhiệm của các chuyên gia phản biện, đại biểu tham dự. Các ý
kiến đánh giá Dự thảo cơ bản đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch và nhiệm vụ
tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg và cho rằng, báo cáo lập quy hoạch cần bổ sung
đánh giá thực trạng để làm nổi bật lên tiềm năng, thế mạnh, ưu thế và đã được
khai thác của Tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Đỗ Minh Tuấn cảm ơn ý kiến phát biểu của các bộ ngành, thành viên Hội đồng và
khẳng định Tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo quy hoạch tỉnh
để trình các cấp có thẩm quyền.

Toàn
cảnh phiên họp. Ảnh: MPI
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự và cho rằng tỉnh
Thanh Hóa đã có sự phát triển vượt bậc, sự đổi mới và quyết tâm thể hiện qua
các kết quả đạt được trong thời gian qua, nhưng những kết quả này chưa tương xứng
với tiềm năng, lợi thế của tỉnh mà cần được khai thác và phát huy triệt để hơn
nữa.
Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo tỉnh
Thanh Hóa tiếp thu ý kiến, chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện lại hồ sơ Dự
thảo quy hoạch tỉnh và trình Hội đồng thẩm định xem xét. Đồng nhấn mạnh, quá
trình xây dựng quy hoạch phải đặt trong bối cảnh mới, bám sát Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng để mang tính đột phá và có cách tiếp cận khác biệt trong việc xác
định điều kiện tăng trưởng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa./.
Theo Bảo
Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư