Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ
trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác quy hoạch được lãnh đạo Đảng, nhà
nước, Quốc hội và xã hội quan tâm. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV,
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực
hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn,
vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ
2021-2030.
Hội thảo tham vấn quy hoạch là
công tác phối hợp thường xuyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương,
thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch, đảm
bảo yếu tố nâng cao chất lượng của quy hoạch. Thứ trưởng đề nghị các đại biểu
góp ý về mặt chuyên môn cũng như liên kết tổng hòa giữa các ngành để thành phố
Cần Thơ có thêm nội dung, thông tin tham khảo để hoàn thiện Dự thảo, triển khai
các thủ tục tiếp theo để trình Hội đồng thẩm định cho ý kiến, thông qua và
trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, các đại biểu tập trung
phân tích, đánh giá các yếu tố phát triển đặc thù của thành phố Cần Thơ, xác định
vai trò, vị thế của Thành phố đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá
tác động ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế, trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu
đối với Thành phố; Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng
sử dụng đất, phát triển đô thị, nông thôn, thực trạng phát triển các ngành,
phân bố không gian, các khu chức năng.
Quan điểm mục tiêu, đây là một
trong những nội dung quan trọng của quy hoạch, nếu lựa chọn đúng và trúng thì
khi thực hiện quy hoạch sẽ mang lại hiệu quả; về lựa chọn kịch bản, phương án
phát triển, số liệu đầu vào đối với kịch bản dự kiến; yếu tố thuận lợi, rủi ro
đối với từng phương án; tập trung đánh giá các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết
và các đột phá; Phương hướng phát triển các ngành quan trọng; việc sắp xếp, tổ
chức không gian; Lựa chọn phương án tổ chức các hoạt động xã hội, kết nối kết cấu
hạ tầng của Thành phố với quốc gia; Định hướng sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch;
Danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên;…
Về báo cáo đánh giá tác động môi
trường, Thứ trưởng đề nghị tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến phạm vi,
không gian thực hiện; đánh giá tác động của quy hoạch đến môi trường, sự phù hợp
quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm mục tiêu bảo vệ môi trường; các giải
pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực, các vấn đề bảo vệ
môi trường.

Phó Chủ tịch Dương Tấn Hiển phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch
Dương Tấn Hiển nhấn mạnh, đây là dịp để thành phố Cần Thơ lắng nghe ý kiến của
các bộ, ngành, chuyên gia về nội quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Đồng thời cho biết, Thành phố đã khẩn trương thực hiện và
hoàn thiện dự thảo quy hoạch theo Quyết định 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi theo
quy định của Luật quy hoạch; các ý kiến góp ý rất sâu sắc và tích cực để giúp
Thành phố bổ sung và hoàn thiện theo quy định.
Ông Dương Tấn Hiển mong muốn, qua
Hội thảo, thành phố Cần Thơ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành,
chuyên gia và cho biết, đây là lần đầu tiên cả nước cũng như thành phố Cần Thơ
lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp nên gặp phải những khó khăn nhất định.
Do vậy, các ý kiến góp ý sẽ là tài liệu quý báu để thành phố Cần Thơ có những ý
tưởng mang tính đột phá trong xây dựng quy hoạch nhằm góp phần phát triển Thành
phố xứng tầm là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI
Dự thảo quy hoạch thành phố Cần
Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra tổng quan về các thế mạnh từ
vị trí chiến lược, nguồn lao động cạnh tranh, nền kinh tế đa dạng và môi trường
kinh doanh thuận lợi; là thành phố lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đầu mối
giao thông đa dạng, các ngành sản xuất đang phát triển, dẫn đầu khu vực về đào
tạo lao động,… Thành phố Cần Thơ đưa ra tầm nhìn đầy tham vọng là "trái tim” của
vùng Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó chuyển dịch sáng các ngành có giá trị cao
và trở thành thành phố xanh, xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững.
Để thực hiện các định hướng phát
triển, thành phố Cần Thơ đưa ra 3 trụ cột phát triển, gồm kinh tế, xã hội và
môi trường bền vững; đến năm 2030, phát triển thành trung tâm kinh doanh nông sản
và trung tâm sản xuất giá trị cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành
thành phố thông minh đáng sống ở Việt Nam vào năm 2050, là điểm đến hấp dẫn về
dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du
lịch giá trị; tiên phong trong phát triển đô thị xanh.
Hội thảo đã nhận được các ý kiến
góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, các
chuyên gia. Ý kiến là cơ sở quan trọng để thành phố Cần Thơ tiếp thu, hoàn thiện
Dự thảo.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần
Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến góp ý và đề nghị thành phố Cần Thơ tiếp
thu, bổ sung, hoàn thiện để sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch thành phố Cần Thơ
tầm nhìn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền theo đúng
quy định./.
Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư