Cà Mau là tỉnh ven biển, là tỉnh duy
nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ
biển tại Cà Mau đang xảy ra mạnh mẽ, cường độ ngày càng có xu hướng mạnh hơn,
làm mất đi hàng trăm ha đất do sạt lở, gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản
xuất của người dân.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi
trồng thủy sản khá lớn, chiếm ¼ diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng
bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2020 chỉ
đạt 4,7%, thấp hơn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và mức bình quân chung của cả
nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ
trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận cho
ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch tỉnh Cà Mau, để sau khi được phê duyệt quy
hoạch phát huy được hiệu quả các lợi thế của tỉnh, xác định được tầm nhìn, mục
tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển một cách bài bản, khoa
học, mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy hiệu quả các nguồn
lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững cũng như việc
chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo đó, tập trung rà soát về số
lượng, thành phần bản đồ; kết cấu của báo cáo so với quy định tại Điều 27 Luật
Quy hoạch và Điều 28 của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; rà soát kết cấu báo cáo
ĐMC so với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tập trung phân tích, đánh
giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; đánh giá thực
trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống
đô thị, nông thôn. Đưa ra quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển;
lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phát triển của
các ngành trên địa bàn tỉnh, như việc cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia và
quy hoạch vùng đã được phê duyệt; cập nhật nội dung của các quy hoạch ngành quốc
gia đang được lập và thẩm định; Phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử
dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai và ứng phó
với biến đổi khí hậu trên địa bàn; Danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên
thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh
Quốc Việt cho biết, Cà Mau xác định lập quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng, lãnh
đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành phối hợp với đơn vị tư vấn để xây
dựng và đến nay dự thảo quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2050 cơ bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, tích hợp nên trong
quá trình xây dựng cũng gặp một số khó khăn nên Cà Mau mong muốn nhận được ý
kiến của các bộ, ngành, chuyên gia để đề xuất phương hướng, giải pháp, gợi mở
các cách làm hay trong công tác quy hoạch.
Ông Huỳnh Quốc Việt cũng đề cập đến
lợi thế, thách thức của tỉnh và nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau luôn ý thức được rằng,
muốn phát triển phải có quy hoạch tốt, xác định đúng định hướng, mục tiêu trọng
tâm phù hợp với thực tiễn của tỉnh, đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu;
phát triển mô hình sinh thái và xác định các cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thu hút
đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế - xã
hội.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn
diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội
nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế
hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã
hội, an ninh, an toàn, văn minh. Phấn đấu đến năm 2025, Cà Mau trở thành tỉnh
phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc
gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp
tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ
thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử
dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia,
quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI
Tham gia ý kiến, các đại biểu cho
rằng, dự thảo về cơ bản đạt chất lượng để nghiệm thu. Báo cáo đánh giá môi
trường chiến lược đã đánh giá được một phần những tác động môi trường mà Quy
hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra, đồng thời đã
đề xuất được một số giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng
sinh học và phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh. Tuy vậy, Báo cáo cần
được xem xét, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập
trung đánh giá về thực trạng và cho rằng, dự thảo quy hoạch đã đề cập đầy đủ
thực trạng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, dân số, xã hội và tình hình phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, nội dung đánh giá thực trạng
còn mang tính liệt kê mô tả, chưa phân tích đánh giá làm rõ tiềm năng, lợi thế,
mức độ khai thác và những vấn đề đặt ra trong quy hoạch và khả năng khai thác,
phát triển.
Dự thảo đã đề cập đến những điểm
mạnh, điểm yếu, cơ hội thách thức để tìm ra các hướng chiến lược làm định hướng
quy hoạch. Tuy nhiên, các nội dung nhận định về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội
thách thức chưa thực sự nói nên những đặc trưng của Tỉnh cũng như những vấn đề
đặt ra đối với sự phát triển của Tỉnh trong tương lai; cần có các dự báo bối
cảnh, đặc biệt dự báo về dân số và lao động, luận cứ cho việc đưa ra các kịch
bản; cần phân tích rõ gắn kết chặt chẽ tới các tác động ảnh hưởng cụ thể cho
từng kịch bản thông qua những đánh giá tiềm năng và xu hướng tương lai cho tỉnh
Cà Mau.
Về phương hướng phát triển tiểu vùng
tại Cà Mau, nên dựa vào Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chi
tiết hóa các định hướng về sinh kế, hoạt động kinh tế phù hợp, khác biệt cho
mỗi tiểu vùng sinh thái xã hội, từ đó đưa ra các giải pháp về phát triển kinh
tế, an sinh, phù hợp tối ưu với những điều kiện riêng về sinh thái và văn hóa
xã hội của từng lưu vực sống; cập nhật các quy hoạch có sẵn đã được thông qua
vào dự thảo quy hoạch tỉnh; Tích hợp mô hình kinh tế mới, đặc biệt là kinh tế
tuần hoàn vào quy hoạch;…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trần
Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu và đề nghị, trên cơ sở các ý kiến
góp ý, cơ quan lập quy hoạch tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, báo cáo; cập nhật
văn bản mới, bám sát yêu cầu, hướng dẫn để có tài liệu thực sự đảm bảo theo quy
định.
Về các nội dung cụ thể, cần tiếp tục
rà soát, tiếp thu các ý kiến để đưa ra các nội dung sát với tình hình thực tiễn
của tỉnh; về định hướng, quan điểm phát triển cần rõ nét hơn, thể hiện rõ hướng
đi, chủ thuyết phát triển của tỉnh; lưu ý các đặc thù của tỉnh, đặc biệt là vấn
đề biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún đất, đây cũng là đặc thù khác biệt của
tỉnh so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; về hạ tầng kết nối
giao thông kinh tế - xã hội, có vị trí cách xa các trung tâm kinh tế lớn; phát
triển nguồn nhân lực; phát triển du lịch, tiềm năng lớn; phát triển nông
nghiệp, thủy lợi;…
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị
tỉnh Cà Mau tiếp thu, bổ sung, sớm hoàn thiện dự thảo quy hoạch tỉnh để trình
cấp có thẩm quyền theo đúng quy định với tinh thần xây dựng bản quy hoạch tốt
không chỉ là đủ điều kiện để trình thông qua mà quan trọng là phải đóng góp cho
sự phát triển của tỉnh Cà Mau./.
Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư