Phát biểu khai mạc Hội thảo,
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh
Hòa Bình đối với công tác quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh, công tác quy hoạch
đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả
nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Chính
vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ
ngày 01/01/2019.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương
cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 47 quy hoạch tỉnh đã được lập
xong, bao gồm: 01 quy hoạch đã được phê duyệt (quy hoạch tỉnh Bắc Giang); 08
quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh
Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Long An); Các địa phương còn lại đang tích cực đẩy
nhanh tiến độ và phấn đấu thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Đối với quy hoạch tỉnh Hòa
Bình, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTg
ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch
tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ
chức lập quy hoạch tỉnh và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhằm giúp cho tỉnh Hòa
Bình hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đại diện bộ,
ngành, các chuyên gia tham gia ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào nội
dung, đặc biệt là những vấn đề còn băn khoăn, còn chưa có sự thống nhất hoặc những
vấn đề cần xin ý kiến định hướng của các chuyên gia, các bộ, ngành trong quá
trình lập quy hoạch. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính khả thi của
quy hoạch tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của
tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo
quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn
Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đã trình bày dự thảo nội
dung quy hoạch và cho biết, quan điểm phát triển của tỉnh Hòa Bình là phát triển
nhanh, hiệu quả và bền vững gắn với bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa dân
tộc; Phát triển đột phá và ưu tiên dựa trên những lợi thế đặc thù về tự nhiên,
xã hội và vị trí địa lý thuận lợi; Phát triển dựa vào khoa học công nghệ hiện đại
và đổi mới sáng tạo, gắn khoa học công nghệ với giáo dục đào tạo; Phát triển
kinh tế theo hướng bao trùm (hài hòa), không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo sự
liên kết phát triển tốt giữa các khu vực động lực với các khu vực khó khăn
trong tỉnh; Đặt phát triển tỉnh trong không gian kinh tế mở với vùng Thủ đô và
vùng Tây Bắc dựa trên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ;
Phát triển kinh tế gắn với cải thiện môi trường sống, bảo đảm an ninh quốc
phòng, trật tự và an toàn xã hội.

Toàn cảnh
Hội thảo. Ảnh: MPI
Dự thảo quy hoạch tỉnh Hòa
Bình đưa ra bốn khâu đột phá. Một là, đột phá về cơ chế chính sách nhằm cải thiện
mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hai là, đột
phá trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó, ưu tiên
hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng các khu công nghệ cao. Ba
là, đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh và trong quản
lý điều hành thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư và kinh tế kỹ thuật số. Bốn là, đột phá trong phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao.
Các nhiệm vụ trọng tâm giúp
Hòa Bình hiện thực hóa mục tiêu của Quy hoạch gồm: tạo dựng và phát triển các
ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh như
ngành công nghiệp điện và sản xuất cơ khí, thiết bị điện, công nghiệp chế biến
nông - lâm - thủy sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch
văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm "ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh,
thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao
hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.
Ngoài ra, tập trung phát triển
vùng kinh tế động lực của tỉnh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới
sáng tạo; Giải quyết tốt mối liên kết kinh tế vai trò là trung tâm kết nội giữa
Hà Nội với vùng Tây Bắc; Khai thác hiệu quả tiềm năng đặc biệt tận dụng thế mạnh
gần Hà Nội, cửa ngõ kết nối thủ đô với vùng Tây Bắc để phát triển du lịch, giao
thông vận tải, logistics, các chuỗi liên kết kinh tế với Hà Nội và vùng Tây Bắc
để sản xuất và trao đổi sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng
khác để thực hiện các mối liên kết kinh tế này.
Tham gia ý kiến, các đại biểu
cho rằng, quy hoạch tỉnh Hòa Bình được xây dựng công phu, bám sát các quy định
của pháp luật về quy hoạch, xem đây là cơ hội phân bố không gian, phát triển
các ngành, lĩnh vực; đồng thời tập trung cho ý kiến về mục tiêu, các khâu đột
phá, đặc biệt là đột phá trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu; rà soát, cập nhật,
bổ sung các văn bản hiện hành; rà soát nội dung tránh trùng lặp; rà soát nội
dung quy hoạch có tác động đến môi trường; Định hướng phát triển các ngành,
lĩnh vực kinh tế quan trọng; phát triển các ngành văn hóa - xã hội; liên kết
phát triển; giải pháp huy động vốn đầu tư, cần có sự phân kỳ để làm căn cứ lập
kế hoạch; ngoài ra cần bổ sung giải pháp chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo
Luật Đất đai; lựa chọn các ngành nghề ưu tiên, không gian, phân vùng phát triển.
Đại biểu cho rằng, cần có đánh
giá riêng về tiềm năng du lịch, xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tài
nguyên, lợi thế của tỉnh đối với phát triển ngành này; cần tiếp tục rà soát để
thiện hiện rõ đây là bản quy hoạch tích hợp, thể hiện khát vọng phát triển của
tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cần phân tích, đánh giá để xem cái gì
tồn tại phải khắc phục còn cái gì tốt rồi phải phát huy trong thời gian tới.

Chủ tịch
UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch
UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cảm ơn ý kiến góp ý quý báu của các đại biểu
và nhấn mạnh, đây là nội dung rất lớn, chưa bao giờ làm. Đồng thời khẳng định,
tỉnh Hòa Bình sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến
xác đáng nhằm hoàn thiện dự thảo đạt chất lượng cao nhất để trình cấp có thẩm
quyền; hướng đến mục tiêu là tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình khá của cả
nước, thuộc nhóm dẫn đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển
dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy công nghiệp là động lực,
du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn
kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị
thông minh và đô thị xanh, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc
phòng, an ninh vững mạnh.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng
Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan,
trách nhiệm và đề nghị tỉnh Hòa Bình trên cơ sở các ý kiến góp ý, nhanh chóng
nghiên cứu tiếp thu với tinh thần cầu thị cao nhất để hoàn thiện Dự thảo. Đồng
thời khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu luôn cam kết đồng hành cùng các địa phương,
trong đó có tỉnh Hòa Bình để có bản quy hoạch đạt chất lượng tốt nhất trình cấp
có thẩm quyền theo quy định./.
Theo Tùng
Linh
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư