Tin tức - Sự kiện
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong cải cách tài chính công
Updated: 8/3/2015 10:56:53 AM GMT + 7
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao những cải cách trong lĩnh vực tài chính công của Việt Nam, cam kết các đối tác phát triển sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình cải cách.

Tài chính công có tiến bộ

Hội nghị cấp cao Nhóm đối tác tài chính công 2015 với chủ đề "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cải cách hành chính thuế và hải quan” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng chủ trì vào cuối tháng 7 đã tập trung thảo luận các giải pháp và khuyến nghị chính sách liên quan đến tái cấu trúc DNNN, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan.

Các đối tác tài chính và Việt Nam đều cho rằng Thuế và Hải quan là những điểm sáng trong cải cách tài chính công, trong đó, những kết quả cải cách mà Bộ Tài chính đạt được có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, với sự hỗ trợ của Nhật Bản và các đối tác, đến nay, đã có 100% Cục Hải quan, 100% Chi cục Hải quan trong phạm vi toàn quốc thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống VNACSS/VCIS và khoảng 55.000 DN xuất nhập khẩu tham gia trên hệ thống VNACCS.

Triển khai tích cực cơ chế hải quan một cửa, trong đó, đã kết nối Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và Bộ GTVT. Việc triển khai cơ chế một cửa dự kiến giảm từ 0,5-1,5 ngày so với việc luân chuyển hồ sơ giấy từ cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan Hải quan để hoàn tất thủ tục thông quan.

Theo kết quả đo thời gian giải phóng hàng tháng 10/2014 tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn, Khu vực 1 (Cát Lái) là đơn vị có khối lượng công việc lớn nhất thì thời gian đăng ký tờ khai hải quan chỉ còn khoảng 3 giây. Thời gian trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng đối với hàng nhập khẩu đã giảm đi 7,6 giờ, tương đương 18%. Thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan đối với hàng xuất khẩu đã giảm 9,6 giờ, tương đương 58% so với năm 2013...

Ngành Thuế cũng đã đạt được kết quả tích trong cải cách khi triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và phối hợp thu thuế qua ngân hàng thương mại. Tính đến 2/6/2015, đã có hơn 105.000 DN ở 63 tỉnh/thành phố tham gia. Cơ quan thuế phấn đấu đến hết tháng 9/2015 sẽ có tối thiểu 90% số DN tham gia nộp thuế điện tử.

Về việc cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thẳng thắn thừa nhận tiến độ thực hiện còn chậm. Hiện tại, đã có 61/289 DN cổ phần hóa. Bộ Tài chính đang nỗ lực để tiếp tục cổ phần hóa 44 doanh nghiệp trong quý III/2015.

Đối tác khuyến nghị và cam kết hỗ trợ cải cách

Tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận nền tài chính công của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải khắc phục.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng việc quản lý tài chính công cần có tầm nhìn dài hạn hơn là chỉ tập trung tìm cách tăng nguồn thu từ thuế.

Cụ thể, một khi Việt Nam thực hiện các thỏa thuận về giảm thuế suất khi tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ gây áp lực lên ngân sách. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực công, tăng cường tính minh bạch, đồng thời phải có biện pháp siết chặt trong chi tiêu công sao cho hiệu quả hơn.

Còn một chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) lại cho rằng, Việt Nam đã ban hành không ít văn bản pháp quy nhưng gặp vấn đề ở việc thực hiện. Yếu tố khiến chất lượng thực thi chưa cao nằm ở đội ngũ quản lý.

Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính rất cần sự hỗ trợ của các đối tác trong quá trình cải cách.

Cụ thể, về lĩnh vực DN, đại diện Bộ Tài chính cần sự hỗ trợ của các đối tác để góp phần hoàn thiện khuôn khổ thể chế về quản lý và giám sát tài chính DNNN. Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá và xây dựng các nguyên tắc, chỉ tiêu giám sát tài chính đặc thù gắn với công khai minh bạch thông tin tài chính trong một số lĩnh vực nhà nước cần giữ DNNN như điện, than, dầu khí, đường sắt... Ngoài ra, cần các hỗ trợ tăng cường năng lực cho cán bộ chủ chốt, các kiểm soát viên tài chính, các cán bộ trực tiếp làm công tác giám sát.

Trong lĩnh vực Hải quan, cần tư vấn hỗ trợ của quốc tế trong việc nâng cao năng lực xây dựng khung pháp lý, có thêm các văn bản hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa thủ tục.

Với lĩnh vực Thuế, cần hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực xây dựng chính sách, bao gồm việc đánh giá xu hướng và phân tích tác động của chính sách thuế nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo tính minh bạch của chính sách thuế.

Tại hội nghị, Đại diện Nhóm đối tác quốc tế, Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa đánh giá cao những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam trong triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi vững chắc đà tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua.

Bà Victoria Kwakwa tin tưởng với cơ chế hoạt động mới thông qua các hoạt động đối thoại chính sách chuyên sâu về tài chính công, thực hiện các hành động cụ thể theo kế hoạch đề ra sẽ góp phần giúp Việt Nam thành công trong Chiến lược Tài chính đến năm 2020. Bà khẳng định WB sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam hơn nữa trong quá trình cải cách tài chính công trong thời gian tới.

Nguồn: Chinhphu.vn

Gửi bình luận
Lưu ý: Bạn phải điền thông tin vào các ô có dấu *
 Họ tên *
 Điện thoại
 Email
 Nội dung *
  Mã bảo vệ Ấn F5 để thay đổi mã bảo vệ
  Nhập mã bảo vệ *
 
Thông tin khác
Chuyên gia Xem thêm
Video
Wait for downloading or browser does not support
Ảnh

VĂN PHÒNG HÀNH CHÍNH BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG BÁO CÁO VIỆT NAM 2035

Địa chỉ: 65 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (+84)-4-38462125 - Fax: (+84)-4-38452209 - Email: vietnam2035@mpi.gov.vn
ĐIỀU KHOẢN SỬ DỤNG | CHÍNH SÁCH BẢO MẬT