Tôi hi vọng điều này có thể trở thành hiện thực để qua đó góp phần tạo ra động lực, thúc đẩy nền khoa học Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Một nền khoa học yếu kém
Từ trước đến nay, trong các cuộc thi Olympic quốc tế, Việt Nam luôn giành được rất nhiều giải thưởng cao, được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục.
Mới đây, trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lại cho rằng Việt Nam hiện nay đã vượt nước Mỹ về lĩnh vực toán học. Điều đó phần nào thấy được tố chất thông minh của con người Việt Nam, cũng như sự tiến bộ của nền khoa học và giáo dục.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa một lần chạm đến giải thưởng Nobel khoa học của thế giới. Có rất nhiều lý do để giấc mơ Nobel của người Việt chưa trở thành hiện thực, nhưng lý do chủ yếu là nền khoa học Việt Nam còn quá yếu kém, nguồn lực đầu tư cho khoa học chưa thật sự hiệu quả.
Có thể nói rằng Việt Nam hiện có một hệ thống cơ sở hạ tầng khá lớn về khoa học công nghệ, bao gồm các khu công nghệ cao, viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ từ trung ương đến địa phương.
Hằng năm Nhà nước đã chi một khoản kinh phí khá lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Tuy nhiên, hiệu quả nghiên cứu khoa học còn thấp, nhiều chương trình, dự án, đề tài các cấp chưa thể phát huy được tính ứng dụng vào thực tế đời sống sản xuất của người dân.
Đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam khá đông đảo với số giáo sư, tiến sĩ rất lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều người tự đặt ra câu hỏi đội ngũ giáo sư, tiến sĩ này đang làm gì khi mà họ có quá ít công trình nghiên cứu mang tính đột phá, ít có bằng sáng chế, phát minh được đăng ký trên phạm vi toàn cầu?
Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học còn nhiều bất cập, cơ chế quản lý chậm được đổi mới, nặng về tính thủ tục.
Chúng ta không thiếu những người tài giỏi, tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho đất nước.
Nhưng để những tài năng như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn và những thế hệ trẻ sau này trở thành niềm hi vọng cho nền khoa học nước nhà, trước hết chúng ta phải thay đổi cơ chế làm khoa học đã thành lối mòn bấy lâu nay.
Tôi kỳ vọng rằng trong 20 năm tới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội, tất cả những mặt trái và sự yếu kém của khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay sẽ không còn nữa, mà thay vào đó là một nền tảng khoa học công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đó sẽ là nền tảng cho khoa học Việt Nam bắt kịp với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, bắt đầu có những bước đột phá trong nghiên cứu cơ bản để mơ đến những giải Nobel danh giá.
Những giải pháp cần thiết
Thiết nghĩ rằng để Việt Nam có thể giành được giải thưởng Nobel trong 20 năm tới, chúng ta cần thực hiện những giải pháp cơ bản để tạo nền tảng cho khoa học phát triển vững chắc.
Thứ nhất, nhóm giải pháp cải thiện chính sách, đổi mới cơ chế tài chính và tạo cơ chế thông thoáng cho khoa học cơ bản phát triển.
Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu trong nghiên cứu khoa học; cơ chế khoán kinh phí dựa vào kết quả nghiên cứu; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì.
Cơ chế, chính sách của Nhà nước vừa phải tạo ra động lực để quy tụ, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực chuyên sâu, vừa tạo điều kiện để họ làm việc và sống được bằng nghiên cứu khoa học, chuyên tâm vào việc nghiên cứu, phát huy được tiềm lực và lòng đam mê nghề nghiệp.
Thứ hai, xây dựng một hệ thống nghiên cứu khoa học mạnh, đồng thời từng bước tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học tương đối ổn định.
Rà soát, sắp xếp lại các trung tâm, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng các trung tâm nghiên cứu hiện đại, làm hạt nhân cho việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các nhiệm vụ khoa học cơ bản.
Trong điều kiện hệ thống nghiên cứu khoa học nước ta hiện nay quá hỗn tạp, hoạt động kém hiệu quả, nếu không làm quyết liệt vấn đề này thì chưa thể tạo ra một môi trường nghiên cứu khoa học đúng nghĩa.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học vững mạnh, tập hợp được những nhà khoa học lớn, đã và đang có những xu hướng nghiên cứu có tính đột phá.
Việc cần làm ngay là phải xác định được hướng ưu tiên, huy động được cán bộ khoa học đầu đàn, những người có khả năng tạo ra bước đột phá trong nghiên cứu khoa học. Đó là lĩnh vực toán học mà người tiên phong là GS Ngô Bảo Châu, lĩnh vực vật lý với GS Đàm Thanh Sơn, lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắcxin trong y học…
Bên cạnh đó, chúng ta cần có chương trình công khai tìm kiếm tài năng khoa học, kể cả những người trẻ có xu hướng nghiên cứu táo bạo và cả những người đã và đang có những phát minh, sáng chế mang lại giá trị lớn đối với khoa học và thực tiễn.
Cần quan tâm đến chất lượng của các trường đại học theo định hướng nghiên cứu cơ bản, vì đây chính là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành khoa học.
Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu khoa học theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Để tạo ra sự thành công cho một kế hoạch cụ thể, chúng ta cần có sự đầu tư tương xứng. Các quốc gia Mỹ, Đức, Nhật cũng như nhiều quốc gia khác đang rất thành công với các giải Nobel đã đổ vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học một số kinh phí khổng lồ trong một thời gian dài.
Điều đó không có nghĩa rằng đầu tư thật nhiều tiền thì sẽ có giải Nobel, nhưng nếu được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho nền khoa học.
Trong chính sách đầu tư của Nhà nước, việc đầu tư vào con người là yêu cầu cơ bản, mang tính quyết định. Để xây dựng một viện nghiên cứu hay đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học là một việc làm khó. Nhưng vấn đề này có thể được giải quyết trong một thời gian ngắn thông qua các chính sách đầu tư và huy động nguồn vốn vay.
Nhưng để đầu tư, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành là một vấn đề khó khăn và lâu dài, đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng và kiên trì.
Tin rằng với những điều kiện cần và đủ, trong một tương lai không xa các nhà khoa học Việt Nam sẽ mang đến những thành công bất ngờ cho nền khoa học nước nhà.
NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG (32 tuổi)