Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố về tỷ trọng
đóng góp trong tổng GDP theo giá hiện hành và tỷ trọng lao động của các khu vực
kinh tế năm 2020 cho thấy, khu vực "Kinh tế nhà nước” đóng góp 30,2% tổng GDP
nhưng chỉ sử dụng 7,6% tổng lao động; khu vực "Kinh tế ngoài nhà nước” đóng góp
47,5% tổng GDP nhưng chiếm tới 83,5% tổng lao động (trong đó lao động làm công
ăn lương là 17,3 triệu người) và khu vực "Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”
đóng góp 22,3% tổng GDP và 8,8% tổng lao động. Như vậy, lao động làm việc trong
khu vực kinh tế ngoài nhà nước đang chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo (83,5%),
đây là một khu vực kinh tế đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta.
Với vị trí quan trọng trong nền kinh tế, thực trạng và sự phát triển của lao
động làm công ăn lương trong khu vực này là một khía cạnh cần được quan tâm xem
xét. Hạn chế của lao động làm trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước là trình độ
chuyên môn thấp, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thấp, khả
năng cạnh tranh yếu nên buộc phải rời khỏi thị trường dẫn đến tình trạng mất
việc làm.
Kết quả phần đánh giá thực trạng khác chất lượng và toàn
diện bao gồm các lát cắt: tình hình chung; theo giới tính, thành thị/nông thôn;
vùng kinh tế-xã hội; trình độ đào tạo; ngành kinh tế; nghề nghiệp; thu nhập;
đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà
nước; trình độ chuyên môn kỹ thuật; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ
thuật, năng suất lao động (của ba khu vực kinh tế); hiện trạng sử dụng lao động
của trình độ chuyên môn kỹ thuật (thừa/thiếu kỹ năng), tỷ số đáp ứng cung cầu;
các yếu tố ảnh hưởng tới tiền lượng của người lao động;…. Các nội dung trong
phần này khá nhất quán với phần dự báo, đánh giá ở sau.
Xu hướng phát triển của lao động làm công ăn lương trong
khu vực kinh tế ngoài nhà nước đến năm 2030 được dự báo dựa trên mô hình kinh
tế lượng hiện đang được nhiều tổ chức trong và ngoài nước sử dụng hiện đại và
có độ tin cậy cao. Phần này cho kết quả dự báo nguồn nhân lực đến năm 2030 (dân
số, lao động, theo 3 khu vực kinh tế, tổng lao động theo trình độ đào tạo, tỷ
lệ lao động đã qua đào tạo, tỷ trọng lao động theo từng trình độ đào tạo, dự
báo tổng lao động theo nghề nghiệp (tỷ trọng lao động theo nhóm nghề cấp 1 của
Việt Nam)); dự báo lao động làm công ăn lương của khu vực kinh tế ngoài nhà
nước (tổng số, nam/nữ, thành thị/nông thôn; kỹ năng lao động trong khu vực kinh
tế ngoài nhà nước, tỷ trọng lao động theo từng trình độ đào tạo, tỷ lệ thiếu kỹ
năng theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thừa kỹ năng, tỷ số cung đáp ứng
cầu kỹ năng; cân đối cung cầu trình độ "dạy nghề”, "THCN và cao đẳng”, "đại học
trở lên”. Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc ban bành chính sách nhằm phát
triển khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong thời gian tới.
Đây là công trình nghiên cứu công phu. Phần tổng quan
nghiên cứu trong và ngoài nước khá tốt, đây là cơ sở để xác định khoảng trống
cho nghiên cứu. Các câu hỏi nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, mục
tiêu và nội dung nghiên cứu rõ ràng, phương pháp nghiên cứu phù hợp, đặc biệt
là việc xây dựng mô hình kinh tế lượng hiện đại. Đề tài có ý nghĩa thiết thực vàquan trọng, giúp tạo tiền đề để các nhà quản lý cũng như
các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các quyết định phù hợp, kịp thời,
nhằm hỗ trợ hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, từ đó ổn định kinh tế
vĩ mô, không ngừng đóng góp tích cực cho sự vận hành ngày một thịnh vượng của
nền kinh tế.
Chủ
nhiệm đề tài: ThS. Phan Thị Minh Hiền