Hội thảo – Hội nghị  
Hội thảo: "Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước thời kỳ chiến lược 2021-2030”
Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2020 | 4:37:27 Chiều
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Để phục vụ cho việc hoàn thiện Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sáng ngày 28/10/2020, tại Hà Nội, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo thảo luận chuyên sâu về: Quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược và định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước thời kỳ chiến lược 2021-2030.

Hội thảo do ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Thành viên thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.

 


Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, hội thảo hôm nay là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và cá nhân thể hiện nguyện vọng của mình, chung tay với Đảng và Chính phủ Việt Nam hiến kế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Đồng thời, hội thảo cũng giúp phát hiện thêm những vấn đề mới đang đặt ra cho Việt Nam từ bối cảnh phát triển mới, nhất là đối với những vấn đề lớn, và gợi mở ra hướng giải quyết một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Vịnh cũng mong muốn thông qua hội thảo sẽ thu nhận được những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn từ nhiều hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các trường đại học, các chuyên gia và nhất là đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ, một trong những lĩnh vực chủ chốt mà UNDP nhận thấy có giá trị lớn lao nhất từ trước tới nay là những hoạt động tham vấn như ngày hôm nay. Hội thảo hôm nay, tạo cơ hội cho đại diện các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện từ các viện nghiên cứu của Việt Nam cũng như các cơ quan phát triển để có thể chia sẻ ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.

TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia cao cấp, thành viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban KT-XH đã đề cập đến 5 quan đểm phát triển, 6 mục tiêu và 3 đột phá chiến lược tại Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Trong đó đề xuất mục tiêu tổng quát về kinh tế như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP;…

Liên quan đến khu vực khu vực tư nhân, theo bà Pham Chi Lan, quy mô nhỏ, ít nguồn lực, khó tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, hoặc chuyên môn hóa / ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiếu liên kết; thiếu các hiệp hội mạnh hỗ trợ, phải cạnh tranh không bình đẳng với DNNN, FDI, DN thân hữu do nước ta chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng, Luật pháp, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh thực thi kém, khó tiếp cận các nguồn lực và quyền kinh doanh do nhà nước nắm giữ, phân bổ; bị phân biệt đối xử nặng nề kéo dài,… đó là một số vấn đề cần giải quyết của khu vực tư nhân. Vì vậy, muốn khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì nhà nước cần phải tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh; tăng cường các thể chế thị trường; tự do hóa các thị trường nhân tố. Đồng thời, khu vực tư nhân cần:Các DN, hiệp hội DN cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, dự báo tương lai, chia sẻ thông tin, giúp nhau định hướng lại và điều chỉnh chiến lược kinh doanh; cùng nhau vận động nhà nước tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và quản trị, nâng vị thế trong GVC; tạo những liên kết cần thiết để bù đắp những thiếu hụt và nhân lên sức mạnh của các bên tham gia,…

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân và khu vực tư nhân nói chung đã khẳng định được vai trò, vị trí trong xây dựng và thực hiện Chiến lược, song theo TS. Nguyễn Thị Luyến - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, hiệu quả hoạt động của kinh tế tư nhân chưa cao, năng suất lao động khá thấp. Trung bình giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động xã hội của doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 30% của DNNN và khoảng 40% của doanh nghiệp FDI. Riêng năm 2018, NSLĐ của DN khu vực tư nhân bằng 40% DNNN và 70% DN FDI …

Bên cạnh những bài tham luận, hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất nên nhất quán gọi là khối kinh tế tư nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã,… và chúng ta sẽ có luật lệ để điều chỉnh riêng cho khối này như Quốc Hội đã thông qua. Chuyên gia cũng cho biết hiện nay chưa thống nhất về đóng góp của khối kinnh tế tư nhân, thống kê có chỗ 45,7%, có chỗ 43% GDP. Vì vậy, theo chuyên gia chúng ta không nên quá nặng nề về câu chữ mà chúng ta nên chú trọng tạo động lực./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.




Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn