Hội thảo do TS. Cao Viết Sinh,
Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Tổ Biên tập của
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
của Đảng và Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án, Ngân
hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo,TS. Cao Viết Sinh cho
biết, kể từ khi thực hiện Đổi mới, Việt Nam đã tiến hành xây dựng và triển khai
ba chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đưa ra những định hướng lớn phát
triển đất nước trong thời kỳ 10 năm, đó là các Chiến lược cho giai đoạn 1991 -
2000, 2001-2010 và 2011 - 2020. Đồng hành với quá trình phát triển của Việt Nam
trong nhiều thập kỷ qua, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và nhóm đối tác
phát triển (DPG) đã có những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cả về tài chính và kỹ
thuật cho việc xây dựng ba chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trước đây.
Dự thảo văn kiện Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 là Chiến lược lần thứ 4 đã được xây dựng
với sự tham gia của các Bộ, ngành thuộc Chính phủ, các Ban của Đảng, các Ủy ban
của Quốc hội và một số địa phương (bao gồm các thành phố trực thuộc Trung
ương); đại diện lãnh đạo các cơ quan trên là thành viên của Tiểu ban Kinh tế -
Xã hội cũng như là của Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược. Trong quá trình xây dựng
dự thảo Chiến lược đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà
khoa học, trong đó có hội thảo xin ý kiến các tổ chức quốc tế, nhóm đối tác
phát triển. Báo cáo đã thảo luận nhiều lần ở Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, báo cáo
Bộ Chính trị, xin ý kiến tại 3 Hội nghị Trung ương.
Để tập hợp và phát huy trí tuệ,
quyền làm chủ của nhân dân cũng như góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức,
hành động, dự thảo Chiến lược 2021 - 2030 đã được công bố vào ngày 20/10/2020,
gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
chính trị - xã hội và nhân dân.
Phát biểu chào mừng Hội thảo,
bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới
tại Việt Nam đánh giá cao chất lượng của Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội giai đoạn 2021-2030. Dự thảo đã nêu rõ mục tiêu Chiến lược của Việt Nam
trong 10 năm tới đây là tạo các nền tảng để Việt Nam có thể trở thành nước có mức
thu nhập cao vào năm 2045. Một trong những đặc điểm nổi bật của Dự thảo Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội lần này là chúng ta đã sử dụng khung khổ phân
tích có sự thiết kế rất tốt để từ đó xác định các mục tiêu chiến lược, các ưu
tiên, các chỉ tiêu chiến lược để có thể đạt được vào năm 2030. Dự thảo cũng đã
chú trọng, nhấn mạnh rất nhiều vào việc hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường,
phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển
văn hóa xã hội cũng như xây dựng hạ tầng hiện đại.
PGS.TS.
Bùi Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp, Thành viên thường trực Tổ Biên tập của Tiểu
ban kinh tế - xã hội phát biểu tại Hội thảo.
Theo PGS.TS. Bùi Tất Thắng,
Chuyên gia cao cấp, Thành viên thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế -
xã hội cho biết, trong thời gian vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy
trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm
trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%/năm, năm
2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt 2%, bình quân giai đoạn
2016-2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tính cả chu kỳ Chiến lược 2011-2020, tăng trưởng
GDP dự kiến đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu
vực và trên thế giới.
PGS.TS. Bùi Tất Thắng cũng cho
biết, Dự thảo Chiến lược tập trung vào 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong đó, Việt Nam cần chú trọng
vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển nhanh
và bền vững. Xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động,
tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền
kinh tế. Bên cạnh đó, cần phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng
yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội
nhập quốc tế.
Nhìn nhận lại những kết quả đã
đạt được và mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -
2030, một số đại biểu tham dự hội thảo cũng đã đưa ra nhìn nhận thẳng thắn, đó
là, mục tiêu tăng trưởng GDP chỉ đạt bình quân ở mức 5,9%/năm, tức thấp hơn hẳn
so với mục tiêu đề ra trước đó là tăng từ 7-8%/năm. Hay như việc giáo dục, phát
triển nguồn nhân lực, cần được nhấn mạnh và cụ thể hóa hơn nữa trong Chiến lược
thời kỳ tới. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phát triển
năng lực kỹ thuật cũng như tính bền vững của cơ sở hạ tầng,…./.
Nguồn:
Viện Chiến lược phát triển.