Sinh hoạt khoa học  
Sinh hoạt chuyên đề Chuyển giao công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2022 | 10:15:08 Sáng
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thực hiện Chương trình công tác Đảng năm 2022 của Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển, ngày 18 tháng 5 năm 2022, Đảng uỷ Viện Chiến lược phát triển phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề: Chuyển giao công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam do đồng chí Phan Quốc Nguyên, Giảng viên Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội – Giám đốc truyền thông và Đại diện Hiệp hội sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới tại Việt Nam là diễn giả.

Tham dự Hội nghị có đại diện Đảng uỷ Viện Chiến lược phát triển, các đồng chí đảng viên của Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển trụ sở tại Hà Nội.

Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Phan Quốc Nguyên, Giảng viên Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Giám đốc truyền thông và Đại diện Hiệp hội sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới tại Việt Nam cho biết: Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm; Chuyển giao công nghệ (CGCN) là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.

Theo Điều 5, Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017, có các hình thức chuyển giao công nghệ sau: a)Chuyển giao công nghệ độc lập; b)chuyển giao công nghệ trong các trường hợp sau: Dự án đầu tư, Góp vốn bằng công nghệ, Nhượng quyền thương mại, Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, Mua, bán máy móc, thiết bị; c)Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đồng chí Phan Quốc Nguyên chia sẻ việc CGCN quy định tại a) và góp vốn bằng công nghệ tại b) phải được lập thành hợp đồng; việc CGCN tại các điểm còn lại tại b) và c) được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật CGCN.

Đồng chí Phan Quốc Nguyên chia sẻ kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh. Tuy nhiên, CGCN phát triển không như mong muốn. Công nghệ được chuyển giao chủ yếu là bí quyết kỹ thuật chứa đựng trong các trang thiết bị, máy móc, chuyển giao sáng chế rất ít. Phần lớn các hợp đồng CGCN này được thực hiện giữa công ty mẹ nước ngoài và công ty con Việt Nam hoàn toàn với mục đích chỉ nhằm chuyển lợi nhuận về công ty mẹ của nước ngoài. Các hợp đồng CGCN giữa công ty mẹ và công ty con chỉ là các công nghệ đơn giản như pha chế xà phòng, lắp ráp tivi, xe hơi hay xe máy trong khi các bán thành phẩm và phụ tùng phần lớn đều ngoại nhập.

Đồng chí Phan Quốc Nguyên cho biết thêm, theo Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 26/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số1851/QĐ-TTgngày 27/12/2018 của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó có nêu: Đến năm 2025: Cơ sở dữ liệu 4.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 400 công nghệ được chuyển giao; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ; 4.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 200 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 10%/năm; 30% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ. Đến năm 2030: Cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước tăng trung bình 15%/năm; 70% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ.

Kết thúc Hội nghị sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Quốc Trường - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Viện Chiến lược phát triển chân thành cảm ơn đồng chí Phan Quốc Nguyên đã chia sẻ với cán bộ, đảng viên Viện Chiến lược phát triển nhiều thông tin hữu ích về công nghệ và CGCN. Đồng chí Nguyễn Quốc Trường cũng mong rằng sẽ có nhiều dịp được đồng chí Phan Quốc Nguyên chia sẻ thêm những thông tin bổ ích về công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo./.

Nguồn: Viện Chiến lược phát triển.

Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn