Đào tạo  
Công bố luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Minh
Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2023 | 3:25:31 Chiều
Đề tài luận án tiến sĩ: Hoàn thiện chính sách thuế thu nhập ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế 
Chuyên ngành: Kinh tế phát triển 
Mã số: 9310105 
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Ngọc Minh 
Người hướng dẫn thứ nhất: PGS. TS. Bùi Tất Thắng 
Người hướng dẫn thứ hai: TS. Lê Hải Mơ 
Đơn vị: Viện Chiến lược và Phát triển

1. Những đóng góp mới về mặt lý luận, học thuật

(1) Luận án chỉ ra rằng, xu hướng hội nhập kinh tế thế giới buộc chính sách thuế thu nhập (TN) cần cải cách theo hướng: (i) Hợp lý - đảm bảo nguồn thu Ngân sách nhà nước (NSNN); (ii) Khoa học - tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc kinh tế; (iii) Phù hợp - đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn và tương ứng với bối cảnh quốc tế, đi cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia.

(2) Luận án cho thấy, xu hướng hội nhập buộc các quốc gia phải giảm thuế suất thuế TN (cả thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN)) và việc giảm thuế suất sẽ duy trì ở thời gian dài, mà biểu hiện ra của nó trong thời đại ngày nay là chủ trương Thuế tối thiểu toàn cầu. Đối với các nước đang phát triển, trong ngắn hạn, khi giảm thuế suất thuế TN có thể dẫn đến giảm nguồn thu hữu hình, nhưng có thể làm tăng cơ sở tính thuế, do thúc đẩy đầu tư, hạn chế chuyển giá…; trong dài hạn, khi giảm thuế suất thuế TN sẽ giúp các quốc gia thu hút đầu tư phát triển kinh tế bền vững.

(3) Đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TN để phân tích khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách thuế TN.

2. Những đóng góp mới về đánh giá thực tiễn

(4) Phân tích thực trạng chính sách thuế TN của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 cho thấy, chính sách thuế TN của Việt Nam đã tiệm cận gần với quốc tế; các cam kết từ các Hiệp thương mại có chi phối lớn đến cải tiến chính sách thuế TN và việc hạ mức thu thuế TN của Việt Nam trong tương lai gần. Đồng thời, thực trạng chính sách thuế TN của Việt Nam cũng cho thấy, còn có những kẽ hở khiến cho việc tồn tại các hành vi gian lận thuế gây thất thoát nguồn thu cho NSNN đến từ hoạt động chuyển giá của DN FDI, hoạt động liên kết kinh tế, giao dịch thương mại điện tử của các DN (xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập).

(5) Kiểm chứng hành vi tuân thủ thuế TN của NNT cho thấy, các nhân tố Chuẩn mực bắt buộc, Chuẩn mực cá nhân, Cảm nhận công bằng có tác động đến hành vi tuân thủ thuế TN và có ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách thuế TN, có ảnh hưởng lan tỏa đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ ra nhận thức của NNT có ảnh hưởng lớn đến đảm bảo thực hiện chính sách thuế TN.

(6) Luận án chỉ ra rằng, mức đóng góp của các DN FDI vào Ngân sách nhà nước ít hơn so với mức đóng góp cua các DN trong nước, trong khi đó các ưu đãi trong chính sách thuế TN dành cho nhóm DN này cao hơn, vì vậy cần đảm bảo mức công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa hai nhóm DN này. Trên cơ sở đó, luận án đã đề xuất giải pháp hoàn thiện các ưu đãi trong chính sách thuế TNDN, đặc biệt là các ưu đãi dành cho DN nhỏ và vừa.

(7) Xu hướng giảm thuế suất thuế TN là tất yếu khách quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, điều này có thể làm giảm nguồn thu NSNN. Do đó, cơ chế ràng buộc nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của DN sẽ là nguồn tái thiết xã hội, giảm áp lực chi đối với NSNN (bù đắp khoản giảm thu NSNN do giảm thuế suất thuế TN) - phù hợp với xu thế phát triển văn minh trên thế giới.

(8) Căn cứ vào quan điểm, mục tiêu phát triển hoàn thiện chính sách thuế TN trong thời gian tới và trên cơ sở dự báo bối cảnh hội nhập, kết hợp với những vấn đề còn tồn tại và kết quả phân tích mô hình hồi quy, luận án đề xuất 07 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu NSNN từ sắc thuế TN của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 (theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045).

3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn và những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo bổ ích cho cán bộ giảng dạy, nhà khoa học, nghiên cứu viên và sinh viên thuộc khối ngành kinh tế nói chung và chuyên ngành kinh tế phát triển nói riêng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án còn là cơ sở khoa học giúp các cơ quan hữu quan trong xây dựng chính sách có góc nhìn cụ thể, toàn diện và có căn cứ để đề xuất, triển khai các giải pháp thực thi chính sách thuế TN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, đảm bảo nguồn thu NSNN cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, luận án hiện chưa phân tích sâu sắc về mức độ tác động của các bên liên quan đến việc xây dựng và thực thi chính sách thuế TN, cũng như việc tiến hành khảo sát trên bình diện cả nước. Đây là những vấn đề được xem là gợi ý cho những nghiên cứu về chính sách thuế TN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp theo ở Việt Nam./.

Luận án:

Tóm tắt luận án

Toàn văn luận án

Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn