Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS Lê Xuân Bá, nguyên
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương làm Chủ tịch Hội đồng
cùng 06 nhà khoa học gồm: PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện kinh tế Việt Nam, Phản
biện 1; PGS. TS Phan Trần Trung Dũng, Trường Đại học Ngoại thương, Phản biện 2;
PGS. TS Đỗ Hương Lan, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 3 (vắng mặt,
có bài phản biện); PGS. TS Doãn Kế Bôn, Trường Đại học Thương mại, Ủy viên Hội
đồng; PGS. TS Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Giám đốc NXB Khoa học xã hội, Ủy viên Hội
đồng; TS. Vũ Thanh Nguyên, Viện Chiến lược phát triển, Ủy viên Thư ký Hội đồng.
Dự lễ bảo vệ có PGS. TS Bùi Tất Thắng, Người hướng dẫn khoa học thứ nhất;
TS. Lê Hải Mơ, Người hướng dẫn khoa học thứ hai và đông đảo đồng nghiệp, người
thân, bạn bè của NCS Nguyễn Ngọc Minh.
Với mục tiêu là đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế TN phù hợp
với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế
- xã hội đất nước, tác giả đã hoàn thành luận án với nội dung gồm bốn chương:
Chương I: Tổng quan nghiên cứu; Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính
sách thuế thu nhập đối với phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế
quốc tế; Chương III: Thực trạng chính sách thuế thu nhập của Việt Nam trong quá
trình hội nhập kinh tế quốc tế; Chương IV: Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế
thu nhập của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Luận án đã có một số đóng góp mới về lý luận, gồm: (1) Luận án chỉ ra rằng,
xu hướng hội nhập kinh tế thế giới buộc chính sách thuế thu nhập (TN) cần cải
cách theo hướng: (i) Hợp lý - đảm bảo nguồn thu Ngân sách nhà nước (NSNN); (ii)
Khoa học - tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc kinh tế; (iii) Phù hợp - đảm bảo mục
tiêu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn và tương ứng với bối cảnh quốc tế,
đi cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia; (2) Luận án
cho thấy, xu hướng hội nhập buộc các quốc gia phải giảm thuế suất thuế TN (cả
thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và việc giảm
thuế suất sẽ duy trì ở thời gian dài, biểu hiện cụ thể là thuế tối thiểu toàn cầu.
Đối với các nước đang phát triển, trong ngắn hạn, khi giảm thuế suất thuế TN có
thể dẫn đến giảm nguồn thu hữu hình, nhưng có thể làm tăng cơ sở tính thuế, do
thúc đẩy đầu tư, hạn chế chuyển giá…; trong dài hạn, khi giảm thuế suất thuế TN
sẽ giúp các quốc gia thu hút đầu tư phát triển kinh tế bền vững; (3) Luận án đề
xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế TN để phân tích
khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách thuế TN.
Về mặt thực tiễn, luận án có những đóng góp mới như sau: (1) Đã phân tích
thực trạng chính sách thuế TN của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 cho thấy, chính
sách thuế TN của Việt Nam đã tiệm cận gần với quốc tế; các cam kết từ các Hiệp
thương mại có chi phối lớn đến cải tiến chính sách thuế TN và việc hạ mức thu
thuế TN của Việt Nam trong tương lai gần. Đồng thời, thực trạng chính sách thuế
TN của Việt Nam cũng cho thấy, còn có những kẽ hở khiến cho việc tồn tại các
hành vi gian lận thuế gây thất thoát nguồn thu cho NSNN đến từ hoạt động chuyển
giá của DN FDI, hoạt động liên kết kinh tế, giao dịch thương mại điện tử của
các DN (xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập); (2) Luận án đã kiểm chứng
hành vi tuân thủ thuế TN của NNT (3) Luận án chỉ ra rằng, mức đóng góp của các
DN FDI vào Ngân sách nhà nước ít hơn so với mức đóng góp của các DN trong nước,
trong khi đó các ưu đãi trong chính sách thuế TN dành cho nhóm DN FDI cao hơn,
vì vậy cần đảm bảo mức công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa hai nhóm DN
nêu trên. ; (4) Xu hướng giảm thuế suất thuế TN là tất yếu khách quan trong bối
cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, điều này có thể làm giảm nguồn thu
NSNN. Do đó, cơ chế ràng buộc nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của DN sẽ là nguồn
tái thiết xã hội, giảm áp lực chi đối với NSNN (bù đắp khoản giảm thu NSNN do
giảm thuế suất thuế TN) - phù hợp với xu thế phát triển văn minh trên thế giới;
(5) Căn cứ vào quan điểm, mục tiêu phát triển hoàn thiện chính sách thuế TN
trong thời gian tới và trên cơ sở dự báo bối cảnh hội nhập, kết hợp với những vấn
đề còn tồn tại và kết quả phân tích mô hình hồi quy, luận án đề xuất một số
nhóm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu NSNN từ sắc thuế TN của Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn năm 2045.
Tác giả luận án đã đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm đảm bảo nguồn
thu NSNN từ sắc thuế TN của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cụ thể: (1)
Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách thuế thu nhập nói chung; (2) Nhóm giải
pháp về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; (3) Hoàn thiện chính sách thuế
thu nhập cá nhân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế;…
Theo Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện, luận án của NCS Nguyễn
Ngọc Minh là công trình nghiên cứu độc lập, có nhiều điểm mới và có ý nghĩa về
lý luận và thực tiễn, không trùng lặp với các công trình khoa học đã công bố.
Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu hợp lý, phù hợp với chuyên ngành Kinh tế
phát triển. Hội đồng nhất trí đề nghị Viện Chiến lược phát triển công nhận kết
quả bảo vệ của NCS Nguyễn Ngọc Minh và cấp bằng tiến sĩ cho tác giả của luận án
theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

NCS Nguyễn Ngọc Minh chụp ảnh cùng Giáo viên hướng dẫn và Hội
đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện.
Nguồn: Viện Chiến lược
phát triển