Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện do PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển làm Chủ tịch Hội đồng cùng 06 nhà khoa học
gồm: PGS. TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phản biện
1; PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Phản biện 2; PGS.
TS Phan Trần Trung Dũng, Trường Đại học
Ngoại thương, Phản biện 3; PGS. TS Chu Đức Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế
và Chính trị thế giới, Ủy viên Hội đồng; TS. Nguyễn Đình Trung, Trường Đại học
Hòa Bình, Ủy viên Hội đồng; TS. Nguyễn Đoan Trang, Viện Chiến lược phát triển, Ủy
viên Thư ký Hội đồng.
Dự lễ bảo vệ có TS. Hoàng Đình Hương, Phó Chủ nhiệm Khoa kinh tế, Trường
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - đại diện cơ quan công tác của NCS; PGS.
TS Lê Xuân Đình, người hướng dẫn khoa học thứ nhất; TS. Vũ Thanh Nguyên, người
hướng dẫn khoa học thứ hai và đông đảo đồng nghiệp, người thân, bạn bè của NCS Giang
Thị Thu Huyền.
Với mục tiêu của luận án là đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác quản
lý thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) nhằm
đảm bảo nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy hoạt động này phát triển, tác giả đã
hoàn thành luận án với nội dung gồm bốn chương: Chương I: Tổng quan các công
trình nghiên cứu liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động
thương mại điện tử; Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý thuế giá
trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử; Chương III: Thực trạng quản
lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam;
Chương IV: Giải pháp hoàn thiện quản lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động
thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo Hội đồng đánh giá luận án, về mặt lý luận, luận án hệ thống hóa các
vấn đề lý luận cơ bản "Thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thương mại điện
tử”, đặc biệt từ góc độ quản lý thuế - đi từ khái niệm cơ bản (nội hàm và cấu
trúc), các yếu tố tác động và các lý thuyết. Luận án đã xây dựng được khuôn khổ
đánh giá kết quả công tác quản lý thuế GTGT đối với TMĐT và các nhân tố ảnh hưởng
đến công tác quản lý thuế GTGT đối với TMĐT. Xây dựng các giả thuyết nghiên cứu,
mô hình nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ thuế GTGT của người nộp thuế
trong hoạt động TMĐT. Luận án cũng đã trình bày kinh nghiệm quốc tế trong hoạt
động quản lý thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực TMĐT, tập trung ở một số nền
kinh tế điển hình, được chọn lọc kỹ.
Về mặt thực tiễn, luận án đã trình bày thực trạng quản lý thuế GTGT đối với
hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam – làm rõ thực trạng phát triển thương mại
điện tử ở Việt Nam – cả ở khía cạnh chính sách lẫn quá trình thực tiễn, tạo cơ
sở để phân tích thực trạng quản lý thuế GTGT đối với lĩnh vực hoạt động này.
Quá trình này được thực hiện theo logic nhất quán từ phân tích khung khổ pháp
lý (chính sách) đến phân tích và thực trạng quản lý thuế. Luận án cũng xác định
và đánh giá những hạn chế của thực trạng quản lý thuế giá trị gia
tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời gian
qua; xác định nguyên nhân của tình hình, tạo cơ sở để tìm kiếm và đề
xuất các giải pháp cải thiện tình hình trong giai đoạn tới. Đồng thời,
luận án đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý thuế GTGT đối với
hoạt động TMĐT ở Việt Nam trong giai đoạn tới trên cơ sở dự báo xu
hướng và triển vọng phát triển TMĐT.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng và dự
báo xu hướng, luận án đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý thuế GTGT
đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, cụ thể: (1) Hoàn thiện quy định pháp luật
về quản lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động TMĐT; (2) Hoàn thiện quy
trình quản lý thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động TMĐT; (3) Xây dựng dữ liệu
thông tin người nộp thuế trong hoạt động TMĐT; (4) Thành lập bộ phận chuyên
trách quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT từ Trung ương đến địa phương; (5) Đào
tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế
nói chung và thuế giá trị gia tăng nói riêng đối với hoạt động TMĐT; (6) Thay đổi
công cụ quản lý thuế thông qua hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành thuế nhằm nâng
cao chất lượng dịch vụ thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế giá trị gia tăng đối
với hoạt động TMĐT; (7) Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng đối với
hoạt động TMĐT nói riêng; (8) Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các
cơ quan khác trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý
thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng nói riêng đối với hoạt động TMĐT; (9) Hoàn
thiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động TMĐT.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đánh giá cao luận án của
NCS Giang Thị Thu Huyền n là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu và
nghiêm túc, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn, không trùng lặp với các
công trình khoa học đã công bố. Hội đồng nhất trí đề nghị Viện Chiến lược phát
triển công nhận kết quả bảo vệ của NCS Giang Thị Thu Huyền và cấp bằng tiến sĩ
cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

NCS Giang Thị Thu Huyền chụp ảnh cùng Hội đồng đánh giá luận
án tiến sĩ cấp Viện.
Nguồn: Viện Chiến lược
phát triển