Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh
Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, triển
khai Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường, Báo cáo ĐMC được tiến hành xây dựng
và thẩm định đồng thời với quy hoạch Thành phố. Hội thảo được tổ chức nhằm đưa
ra nhận xét đối với Báo cáo ĐMC của Thành phố Cần Thơ và tham vấn ý kiến các
chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng thẩm định để giúp Thành phố hoàn
thiện Báo cáo đảm bảo khoa học, thực tiễn, có tính chuyên môn cao và đảm bảo đầy
đủ nội dung của pháp luật về quy hoạch và môi trường.
Đồng thời gợi mở một số vấn đề để các đại
biểu tập trung thảo luận như phạm vi đánh giá môi trường chiến lược và các
thành phần môi trường, di sản thiên nhiên bị tác động bởi quy hoạch; đánh giá
tác động của quy hoạch đến môi trường; định hướng bảo vệ môi trường trong quá
trình lập quy hoạch; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, hạn chế, giảm thiểu
xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư thành phố Cần Thơ, Thành phố đã khẩn trương thực hiện xây dựng dự thảo
quy hoạch theo Quyết định 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn
đến năm 2050.
Thành phố đã tổ chức tham vấn, lấy ý kiến
thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng, hoàn
thiện Báo cáo ĐMC phù hợp với chiến lược, quy hoạch của thành phố; đảm bảo tính
kết nối, đồng bộ để khai thác tối đa tiền năng và phát huy vai trò của thành phố
Cần Thơ - Trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lê Thanh Tâm hi vọng sẽ
nhận được các ý kiến, góp ý thẳng thắn của các chuyên gia để hoàn thiện Báo cáo
ĐMC và quy hoạch Thành phố đảm bảo đúng quy định, chất lượng.
Theo đó, thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu
phát triển triển đồng bộ và toàn diện nhất, tối ưu hóa lợi thế của Thành phố với
vị trí chiến lược ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để trở thành trung tâm
kinh tế vùng, đảm bảo việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của
người dân. Cần Thơ sẽ đặt trọng tâm phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, an
sinh xã hội, đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ và phát triển khu đô
thị sinh thái, chuyển đổi sang các mô hình phát triển nông nghiệp, công nghệ
cao để tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước.
Báo cáo ĐMC thành phố Cần Thơ đã xác định
06 vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch gồm, ô nhiễm không khí, tiếng
ồn; ô nhiễm nước mặt; ô nhiễm môi trường đất; xu thế xói lở bờ sông, sạt lở đất;
xu thế thu hẹp diện tích hệ sinh thái nông nghiệp, tăng diện tích đất bạc mạc;
khí nhà kính.
Báo cáo cũng đưa ra các tác động tích cực
của quy hoạch thành phố Cần Thơ, mang lại cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho
người dân; tạo điều kiện để tăng đầu tư cho công tác xử lý an toàn các chất thải
nguy hại theo thời kỳ quy hoạch; phát triển kinh tế đem lại cơ hội việc làm từ
tất cả các thành phần quy hoạch. Ngoài ra mang tới bền vững tài nguyên thiên
nhiên và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Các giải pháp chính nhằm giảm thiểu tác
động tiêu cực cũng được đề ra như đảm bảo đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường, quản
lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nguồn
tài nguồn nước, và xử lý chất thải rắn.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:
MPI
Tham gia ý kiến, các đại biểu đánh giá
Báo cáo là công cụ quan trọng để lựa chọn phương án và cho rằng, Báo cáo ĐMC
thành phố Cần Thơ đã được xây dựng công phu, bám sát quy định, tuy nhiên cần rà
soát lại một số nội dung tránh trùng lặp và cập nhật, bổ sung văn bản mới hiện
hành. Các ý kiến cho rằng, phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược của
Thành phố cần phải rộng hơn và có đánh giá tổng quan của các vùng tiếp giáp,
nghiên cứu cơ chế liên kết khi thành phố Cần Thơ là một thành phố phát triển mạnh
trong vùng ĐBSCL.
Các chuyên gia cũng cho rằng thành phố Cần
Thơ cần đưa các chính sách, chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước như mô hình
phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, phát triển xanh,… vào trong định
hướng phát triển của Thành phố. Báo cáo ĐMC cần đánh giá, dự báo quy mô và tác
động chính của quy hoạch đến các thành phần môi trường, đến biến đổi khí hậu;
xác định các nhân tố môi trường chính để đánh giá lựa chọn các phương án trọng
tâm và làm rõ hơn một số vấn đề về môi trường như tình trạng đất, ngập úng đô
thị.
Ý kiến tại Hội thảo cũng đề nghị thành
phố Cần Thơ nghiên cứu các văn bản như Quyết định số 1055/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất
thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2050,… để đưa ra thêm các định hướng phát triển chính xác và phù hợp nhất,
xây dựng thành phố Cần Thơ xứng đáng trở thành "trái tim” của vùng ĐBSCL./.
Theo Bảo Linh
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư