Diễn đàn quy hoạch  
Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật: Thứ năm, 3/8/2023 | 2:45:25 Chiều
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI
(MPI) - Chiều ngày 02/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tham dự Hội nghị.

Tỉnh Bình Định có vị trí kinh tế quan trọng, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển Quy Nhơn, giúp Bình Định có nhiều cơ hội giao thương, hội nhập quốc tế. Đối với vùng, Bình Định là điểm trung chuyển, quá cảnh hàng hóa dịch vụ cảng biển logictics, đồng thời là một trung tâm phát triển du lịch của vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung và của vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định có tài nguyên tự nhiên đa dạng và vị trí địa lý chiến lược; có vị trí địa kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho giao thương kinh tế trong khu vực và quốc tế; có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời; có thế mạnh về khoa học, công nghệ so với nhiều địa phương trong vùng và cả nước; Tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ logistics và vận tải; có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ trên cả 4 loại hình: đường bộ, đường sắt, cảng biển và hàng không; Nguồn lao động tương đối dồi dào với dân số trẻ, năng suất lao động có chiều hướng được cải thiện qua các năm.

Tuy nhiên, hiện quy mô sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa lớn, giá trị còn thấp; công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, tác phong và tư duy chưa hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ còn yếu, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh chưa cao, chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, động lực để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững; Hạn chế trong hoạt động đầu tư; Trình độ lao động còn thấp; Khí hậu ảnh hưởng bởi thiên tai, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông, lâm nghiệp và thủy sản.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Với những đặc điểm, tiềm năng, cơ hội, thách thức như trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng, chuyên gia - ủy viên phản biện tập trung rà soát, đánh giá sâu hơn để xác định điểm nghẽn hạn chế phát triển trong giai đoạn qua và đâu cơ hội cho thời kỳ tới. Mặc dù tỉnh đã có bước phát triển nhưng chưa đạt kỳ vọng. Vậy đâu là rào cản, thách thức lớn nhất và đâu là cơ hội, tiềm năng lợi thế mới cần tập trung khai thác trong giai đoạn tới là câu hỏi được Bộ trưởng đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành; định hướng các quy hoạch vùng đã có; cùng với đó là quy hoạch một số ngành; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bình Định,…. Đây là những căn cứ, yếu tố rất quan trong đối với quá trình xây dựng quy hoạch. Trong đó, phải đưa ra định hướng phát triển cho giai đoạn tới; dự kiến phân bổ không gian, huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện khát vọng rất mạnh mẽ được đưa ra tại thời kỳ quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh Bình Định đối với công tác xây dựng quy hoạch tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện trình Hội đồng. Đồng thời đánh giá cao quan điểm, mục tiêu, khát vọng trong thời kỳ quy hoạch và lưu ý, điều quan trọng là phải chỉ ra được đâu là nguồn lực, động lực, yếu tố mới; đâu là đột phá mới để làm cơ sở, căn cứ, luận cứ để xây dựng và thực hiện các mục tiêu đó. Đồng thời cho biết, hiện nay công tác quy hoạch đang được đẩy nhanh thực hiện với tinh thần đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng; coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng; rà soát, đồng bộ quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành; là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bí thư tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh. Công tác lập quy hoạch đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, sự tham gia của Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ cơ quan, tổ chức và nhân dân trong tỉnh.


Bí thư tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Quy hoạch tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, Tây nguyên và khu vực lân cận.

Tỉnh Bình Định xác định 03 khâu đột phá là xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.

Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong kỳ quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Định thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng chính quyền số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp; Phát triển, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tỉnh Bình Định đưa ra 05 quan điểm phát triển; 03 khâu đột phá; 05 trụ cột phát triển kinh tế; phát triển theo cấu trúc mô hình: 02 vùng - 03 cực phát triển - 03 hàng lang kinh tế.

Cho ý kiến đối với quy hoạch, thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia - ủy viên phản biện cho rằng, quy hoạch tỉnh Bình Định đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; phân tích, xây dựng dựa trên một hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển, đảm bảo tính khả thi; thể hiện đầy đủ các nội dung chính theo Điều 27 Luật Quy hoạch.

Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia, Quy hoạch vùng đã được phê duyệt hoặc đang được lập đồng thời; cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 và đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực thông qua việc xây dựng các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch.

Các ý kiến cũng tập trung vào các nội dung cụ thể về phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, hiện trạng phát triển kinh tế và thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó nghị nhấn mạnh, làm rõ hơn vai trò của Bình Định đối với vùng quốc gia trong một số nội dung như giá trị đặc hữu của tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử của Bình Định; một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng và là một trung tâm phân phối hàng hóa (logistics) cả xuất và nhập khẩu của vùng Tây Nguyên và một số địa phương trong vùng Nam Trung Bộ; bổ sung các phân tích, đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp của tỉnh, đánh giá các chỉ số phản ánh thực trạng môi trường kinh doanh.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đánh giá cụ thể về tiềm năng đất đai phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh; đánh giá sự phù hợp về phân bố phát triển không gian của hệ thống đô thị và nông thôn, các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP; rà soát, cập nhật, phân tích, đánh giá đầy đủ các thông tin về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh; bổ sung nội dung xác định những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nội dung phân tích những điểm nghẽn chính của tỉnh Bình Định.

Sau khi thảo luận, cho ý kiến, Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết thông qua bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2023 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cảm ơn ý kiến phát biểu quý báu của Hội đồng và khẳng định, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu quan tâm như phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có phát triển mạng lưới đường hàng không.

Về các dự án lớn mang tính dẫn dắt, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bình Định đưa ra 05 trụ cột phát triển kinh tế là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0; Phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng; Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung để các trụ cột này để có dự án dẫn dắt, tạo hệ sinh thái.

Tỉnh Bình Đình có nhiều tiềm năng phát triển và quy hoạch sau khi hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên đạ bản tỉnh trong thời kỳ tới, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhìn chung các ý kiến của chuyên gia, bộ ngành đánh giá cao quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, công phu, khoa học. Quy hoạch Bình Định được thực hiện nghiêm túc quy trình lập theo quy định; nội dung quy hoạch thể hiện khá rõ nét khát vọng phát triển.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu kết luận. Ảnh: MPI

Để sớm hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Bình Định làm rõ một số nội dung về quy trình lập, sự phân công phối hợp trong nghiên cứu xây dựng và đề xuất các vấn đề tích hợp, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện; làm rõ hơn vai trò, vị thế và sứ mệnh của tỉnh đối với vùng và quốc gia về tài nguyên du lịch, văn hóa, tổ hợp phát triển khu kinh tế ven biển; vai trò hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên; trung tâm nghiên cứu đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ của vùng; định vị vai trò, vị thế sứ mệnh mới theo Nghị quyết về vùng.

Về quan điểm phát triển, theo Bộ trưởng quy hoạch chưa thể hiện rõ nét và đề nghị bổ sung quan điểm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế cacbon thấp vào quy hoạch tỉnh; bổ sung quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển.

Về các đột phá phát triển, xem xét cân nhắc một số đột phá trong phát triển du lịch, sử dụng các lợi thế về biển, giá trị văn hóa lịch sử, con người; các đột phá cần bám sát với lợi thế đã có như sân bay, cảng biển, khu kinh tế, hạ tầng giao thông mới.

Đối với ngành công nghiệp, đề nghị xem xét ưu tiên thúc đẩy các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ phục vụ năng lượng tái tạo; các ngành mới nổi như ngành chip bán dẫn, hydrogen xanh gắn với năng lượng tái tạo. Đối với phát triển du lịch, tập trung vào loại hình chính mang tính đột phá thể hiện sự đặc sắc, khác biệt của tỉnh Bình Định; có cơ chế thu hút các nhà khoa học, nhân tài, tri thức trẻ.

Đối với ngành nông nghiệp, cần ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển trung tâm chế biến nông, lâm sản; xác định cụ thể các vùng tập trung, gắn sản xuất với chế biến, ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các phương hướng phát triển đối với lĩnh vực như thủy sản; lâm nghiệp; phương án tổ chức không gian cho các hoạt động kinh tế - xã hội; đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu kinh tế Nhơn Hội; về chuyển mục đích sử dụng đất; phương án quy hoạch hệ thống đô thị; hạ tầng giao thông, hạ tầng điện; dự án ưu tiên đầu tư; nguồn vốn thực hiện quy hoạch; về sắp xếp đơn vị hành chính; về đánh giá môi trường chiến lược;...

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Bình Định khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ Quy hoạch; Rà soát, xem xét các nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo đáp ứng được công tác quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; Lập Báo cáo tiếp thu, giải trình bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu; Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch. Chịu trách nhiệm về tính chính xác về nội dung, thông tin, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời nhấn mạnh, quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để tỉnh Bình Định phát triển bứt phá trong thời gian tới./.

Theo Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn