Căn cứ Luật Quy hoạch
và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu
đã tổ chức lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo
Nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ trừng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
886/QĐ-TTg ngày 23/6/2020.
Phát biểu tại Hội
nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo
của tỉnh Bạc Liêu trong quá trình lập và hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời nhấn
mạnh, Luật Quy hoạch với tinh thần đổi mới về tư duy, phương pháp và nội dung
quy hoạch, mà cốt lõi là tích hợp theo hướng chiến lược phát triển gắn với tái
cơ cấu không gian phát triển vào trong bản quy hoạch, để tạo ra động lực phát
triển mới, không gian phát triển mới, từ đó tạo ra giá trị mới và dự án đầu tư
mới cho đất nước, cho từng ngành, địa phương, trong đó có Bạc Liêu.
Theo
Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện nay công tác lập quy hoach được thực hiện
trong bối cảnh có những thuận lợi bối, đặc biệt là các tỉnh trong Vùng đồng
bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch vùng; Hội đồng Vùng và đối với tỉnh Bạc Liêu
cũng vậy, chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết phát
triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long
của Bộ Chính trị; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt,
Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua; Quy hoạch vùng Đồng bằng
sông Cửu Long đã được phê duyệt, một số quy hoạch ngành quốc gia, nhất là các
quy hoạch về hạ tầng giao thông đã được phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để
tỉnh Bạc Liêu xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh
thông qua Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu.
Tỉnh
Bạc Liêu được chia tách từ đầu năm 1997, là tỉnh có thuận lợi phát triển thủy
sản và có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, bên cạnh
những thuận lợi, tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều khó khăn như việc khai thác các
tiềm năng, lợi thế so sánh, đặc thù riêng của Tỉnh còn chậm, chưa bền vững,
năng suất và hiệu quả chưa cao; Chất lượng tăng trưởng còn thấp, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế còn chậm, năng suất lao động và tăng trưởng năng suất lao động còn
thấp so với vùng và cả nước; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lực lượng lao
động trẻ đã qua đào tạo vẫn đang có xu hướng đi ra các tỉnh, thành phố khác để
làm việc; Hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, khu công
nghiệp, khu du lịch, ... chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại; Việc huy động các
nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn; đối mặt với
các thách thức như biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc gia tăng khai thác
nước ngầm, sụt, lún; Hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ; Việc có thể
còn lãng phí và cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc xử lý môi trường
trong phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản. Những điểm hạn chế này cần phải
được nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong bài toán quy hoạch,
Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để
tỉnh Bạc Liêu phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được
không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh,
bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã gợi
mở những vấn đề để các thành viên Hội đồng, ủy viên Hội đồng thẩm định và các
đại biểu dự họp tập trung trao đổi, thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường
trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận phát biểu. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội
nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết, tỉnh đã
xác định phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 các trụ cột như nông nghiệp,
năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là giáo dục và y tế, …
Thời
gian qua, được sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bạc Liệu đã hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch có nội dung thể hiện tư duy mới,
tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội của đất nước, của vùng giai đoạn 2021-2030; từ đó, mở ra những cơ
hội phát triển mới và định hướng các giá trị mới cho tỉnh Bạc Liêu trong thời
kỳ quy hoạch. Đây là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống
nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối
ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu
tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an
ninh, an toàn, văn minh.
Đồng
thời, cụ thể hóa các quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp
trên và trên cơ sở kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện
đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng. Quy hoạch cũng
xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí
hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian, định hướng
không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch.
Theo
dự thảo quy hoạch được trình bày tại Hội nghị, tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu đến
năm 2030 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, năng động, hiệu quả, từng bước
hiện đại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trên cơ sở phát triển
trung tâm sản xuất năng lượng sạch, trung tâm sản xuất tôm giống, sản xuất, chế
biến, xuất khẩu tôm thương phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Định
hướng đến năm 2050, Bạc Liêu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá toàn
diện, mạnh về kinh tế biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển bền
vững 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển nhanh kinh tế xanh,
ngày càng dựa trên công nghệ tiên tiến, có năng suất và hiệu quả cao gắn đổi
mới sáng tạo không ngừng.
Để
hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng này, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào 3
khâu đột phá phát triển, gồm: Khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có về phát triển
kinh tế biển, sớm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển; Phát triển
nguồn nhân lực và cải cách thể chế quản trị; Phát triển kết cấu hạ tầng và cộng
đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tham
gia ý kiến tại Hội nghị, thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện các bộ,
ngành có liên quan; các chuyên gia - ủy viên phản biện cho rằng, quy hoạch tỉnh
Bạc Liêu đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc; phân tích, xây dựng dựa trên
hệ thống thông tin, dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng
và khả năng phát triển; Báo cáo Quy hoạch thể hiện đầy đủ theo Điều 27 Luật Quy
hoạch, Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/05/2019 của Chính phủ Quy
định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đây là bản quy hoạch
được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục
tiêu, phù hợp với quan điểm, định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy
hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia, Quy hoạch vùng đã được phê duyệt và các quy
hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia đang được lập đồng thời; cụ thể hóa tầm
nhìn, quan điểm, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng,
an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã
được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 13-NQ/TW và đảm bảo tính liên kết,
thống nhất, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực thông
qua việc xây dựng nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Các
đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh
Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy
hoạch quy định tại Điều 16 Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung đề xuất
để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã
hội, thực trạng các ngành và lĩnh vực xã hội, hiện trạng sử dụng đất; đánh giá
hiện trạng đô thị và nông thôn, các khu chức năng, thực trạng hạ tầng kỹ thuật,
thực trạng hạ tầng xã hội; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát
triển; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phát triển kết
cấu hạ tầng; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; Hệ thống bản đồ, cơ sở
dữ liệu;…

Toàn cảnh Hội nghị.
Ảnh: MPI
Sau khi cho ý kiến,
Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy
hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có
chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện.
Kết
luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các ý kiến thống nhất cao
với các nội dung với hồ sơ trình thẩm định; quy hoạch đã được lập theo đúng quy
định của pháp luật về quy hoạch và môi trường; thể hiện khá rõ nét khát vọng
phát triển. Đồng thời nhấn mạnh đến các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, bổ
sung, hoàn thiện như đánh giá làm rõ hơn tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
tỉnh Bạc Liêu và kết quả thực hiện các quy hoạch ngành thời kỳ trước; bổ sung
luận chứng phương án khả thi lựa chọn, gắn với đặc điểm của tỉnh Bạc Liêu; rà
soát chỉ tiêu sử dụng đất theo Quyết định 326 QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ
tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm
2021-2025; làm rõ vùng động lực, hành lang kết nối; số liệu và cập nhật bản
đồ;…
Thứ
trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng
rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ Quy hoạch; Rà soát, xem xét các nội
dung liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo đáp ứng được
công tác quản lý trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; Lập Báo cáo tiếp
thu, giải trình bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia, ý kiến
tham gia của các đại biểu; Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch. Chịu trách nhiệm về tính
chính xác về nội dung, thông tin, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bạc
Liêu, Báo cáo ĐMC và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh
Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy
hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng để tỉnh Bạc Liêu hoạch định
đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội,
phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo
tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục
các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và
hướng đến bền vững./.
Theo Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư