Trên đây là nội dung phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông,
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh tham dự Hội nghị.
Hội nghị diễn ra chiều ngày 15/8/2023 với sự tham dự của
thành viên Hội đồng là đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia - ủy
viên phản biện; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu
tư. Về phía tỉnh Sơn La có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Trần Quốc Phương
hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND,
UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan tỉnh Sơn La trong quá
trình lập và hoàn thiện quy hoạch. Đồng thời nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Sơn La
được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển
kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ
2020-2025. Đặc biệt, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc
gia đã được phê duyệt. Đây là căn cứ rất quan trọng để Sơn La xem xét, cụ thể
hóa những định hướng phát triển trên địa bàn.
Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện và
năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch và công nghiệp chế
biến. Bên cạnh đó, Sơn La có vai trò là "phên dậu” của quốc gia trong việc bảo
đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ, phát triển rừng và an ninh nguồn nước; là nơi
cung ứng điện lớn cho quốc gia, là nơi có sự phát triển vượt bậc về nông nghiệp
hàng hóa.
Tuy nhiên, Sơn La cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc
phục, đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư còn thấp; Năng suất
lao động có xu hướng giảm; Các yếu tố phát triển chiều rộng đã được sử dụng,
khai thác, trong khi động lực cho phát triển theo chiều sâu (chuyển đổi số, đổi
mới công nghệ và quản lý, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường khai
thác thị trường, ...) chưa được chú ý thỏa đáng... Những điểm hạn chế, tồn tại
trên cần phải được khắc phục, giải quyết trong bản quy hoạch thời kỳ mới, Thứ
trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương gợi ý một số nội dung để các
thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định tập trung trao đổi, thảo luận nhằm giúp
tỉnh Sơn La phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được
không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả; giúp tỉnh phát triển nhanh, bền
vững trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ
tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh
cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch
tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ trong công tác triển khai lập quy hoạch. Đồng thời nhấn
mạnh, với mục tiêu để xác định tầm nhìn phát triển trong trung và dài hạn, nhằm
phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc
tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển
5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước và xây dựng Sơn
La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Ông Hoàng Quốc Khánh cho biết, thực hiện Công điện số
616/CĐ-TTg ngày 04/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện
các quy hoạch để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai
đoạn 2023-2030; Công văn số 6356/BKHĐT-QLQH ngày 08/8/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư về việc bổ sung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn
2023-2030 vào quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Sơn La đã có báo cáo về việc rà soát, bổ
sung nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030
vào Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Sơn La trình Hội đồng thẩm định đưa ra quan
điểm phát triển kinh tế đến năm 2030 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực gắn với mục
tiêu quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh,
nhanh, bền vững, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô
lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành Công nghiệp Năng lượng, Chế biến,
Chế tạo và Du lịch là mũi nhọn đột phá; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có
mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các Tỉnh lân cận trong vùng và cả
nước.
Tầm nhìn của quy hoạch tỉnh Sơn La giữ vững sự cân bằng giữa
xã hội - kinh tế - môi trường. Trong đó lấy phát triển và gia tăng giá trị kinh
tế xanh, nhanh, bền vững là chiến lược chủ đạo. Dựa trên vai trò, vị trí là trung
tâm tiểu vùng Tây Bắc, định hướng của khung phát triển, tỉnh Sơn La xác định bốn
không gian kinh tế đặc trưng hỗ trợ lẫn nhau.
Với mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh
khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc;
trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng Trung du miền núi
Bắc Bộ; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du miền núi Bắc
Bộ. Tỉnh Sơn La xác định các khâu đột phá về các ngành, lĩnh vực kinh tế; về chuỗi
sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết Vùng; về phát triển không gian lãnh thổ;
các nền tảng phát triển khác.

Toàn
cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao công tác lập quy hoạch
của tỉnh Sơn La, bám sát quy định của pháp luật về quy hoạch; Quyết định số
624/QĐ-TTg ngày 08/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Bộ Chính trị
về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số
81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời tập
trung cho ý kiến đối với Quy hoạch tỉnh Sơn La với các nội dung cụ thể như xem
xét tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch
về nội dung thẩm định quy hoạch như sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại
Luật Quy hoạch; Việc tích hợp các nội dung vào nội dung quy hoạch; Sự phù hợp của
quy hoạch với quy định tại Điều 20, Điều 21 và Điều 27 của Luật Quy hoạch về
quy trình lập, căn cứ lập quy hoạch, yêu cầu về nội dung quy hoạch và quy định
về quy hoạch tỉnh.
Đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung của quy hoạch,
trong đó tập trung đánh giá đầy đủ các yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng
phát triển. Việc xác định các tồn tại, hạn chế cần giải quyết, nhất là liên
quan đến sự thay đổi khó lường và tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí
hậu, thiên tai; sự đảm bảo của hạ tầng giao thông kết nối với khu công nghiệp,
khu du lịch, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung… Đồng thời thảo luận về sự
phù hợp và tính khả thi của việc lựa chọn phương án phát triển, nhất là trong bối
cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế
tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải,...);
về sự phù hợp các quan điểm, mục tiêu theo quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy
hoạch ngành quốc gia, thể hiện khát vọng phát triển của tỉnh; định hướng phát
triển các ngành, lĩnh vực quan trọng mà tỉnh đã đề xuất tập trung vào một số
ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm
năng, thế mạnh của mình.
Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường
Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ nhất trí với các nội dung báo cáo tại Hội nghị
và đề nghị tiếp tục rà soát, sắp xếp lược bỏ các văn bản quy định để đảm bảo sự
phù hợp; đánh giá điều kiện tiềm năng lợi thế phải tập trung vào những nội dung
điểm nhấn, tránh dàn trải. Đồng thời cho rằng, tỉnh Sơn La có tiềm năng về nông
nghiệp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, vậy cần xác định rõ sản phẩm chủ lực;
cần nêu vị thế của tỉnh Sơn La so với các tỉnh khác.
Đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể đánh giá thực trạng ngành,
lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng những năm gần đây; vấn đề sụt giảm kinh tế; quy mô
sản lượng, chất lượng của sản phẩm thế mạnh; thế mạnh về du lịch quá rõ nhưng
chưa thể hiện rõ sự kết nối lĩnh vực này đối với cả vùng. Về nguồn lực đầu tư,
cần rà soát các số liệu; làm rõ hơn vấn đề đô thị hóa thấp; đánh giá hạ tầng
giao thông có đáp ứng yêu cầu kết nối liên vùng và nội vùng;…từ đó tìm ra nút
thắt trong phát triển của tỉnh; cần đánh giá cơ sở hệ thống giáo dục; về nhu cầu
sử dụng đất; đánh giá điểm mạnh, điểm yếu để tìm ra định hướng chiến lược phát
triển trong thời gian tới.
Sau khi thảo luận, cho ý kiến các thành viên, ủy viên phản
biện của Hội đồng thẩm định đã xem xét, biểu quyết vào phiếu đánh giá đối với
quy hoạch tỉnh Sơn La; Báo cáo ĐMC và dự thảo Báo cáo thẩm định với kết quả
100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện.
Phó
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh phát biểu tiếp thu, giải trình tại Hội
nghị. Ảnh: MPI
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Lê Hồng Minh cảm ơn Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa
học đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc cho tỉnh Sơn La. Đây là những
chỉ dẫn, những gợi mở quan trọng để tỉnh Sơn La tiếp tục rà soát, hoàn thiện
quy hoạch tỉnh, đảm bảo khoa học, phù hợp; huy động hiệu quả được các nguồn lực,
khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển toàn diện trong thời
gian tới. Đồng thời khẳng định, UBND tỉnh Sơn La sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến
tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện, tiếp
tục triển khai các quy trình để hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt.
Ông Lê Hồng Minh cũng nhấn mạnh đến nội dung đề xuất điều
chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số
326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm,
theo dõi của các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện
và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu
là tỉnh phát triển khá trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc; phát triển
xanh, nhanh, bền vững.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao
ý kiến phát biểu và thống nhất với một số nội dung được các đại biểu nêu. Để sớm
hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng đề nghị tỉnh
Sơn La chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến,
trong đó tập trung làm rõ một số nội dung như vai trò, vị trí của tỉnh đối với
vùng; làm rõ hơn kết quả thực hiện các quy hoạch thời kỳ trước, các điểm nghẽn
phát triển, từ đó xác định các giải pháp khả thi cho thời kỳ tới; bổ sung luận
chứng phương án xác định các động lực phát triển; đóng góp của các ngành, lĩnh
vực vào tăng trưởng chung của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; triển khai rà soát
nhu cầu sử dụng đất phù hợp với chỉ tiêu tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, đáp ứng
nhu cầu sử dụng đất của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch; rà soát định hướng tổ chức
không gian phát triển, kết nối với vùng và cả nước.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Sơn La khẩn trương, nghiêm
túc tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo cơ quan chủ trì xây dựng rà soát lại việc tiếp
thu, chỉnh sửa hồ sơ Quy hoạch; Lập Báo cáo tiếp thu, giải trình bằng văn bản của
các bộ, cơ quan ngang Bộ, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu; Hoàn
thiện hồ sơ Quy hoạch. Chịu trách nhiệm về tính chính xác về nội dung, thông
tin, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và
hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh kỳ 2021-2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng lưu ý thêm, Chính phủ vừa ban hành Nghị định
58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.
Do vậy, trong quá trình hoàn thiện tỉnh Sơn La cần nghiên cứu, triển khai áp dụng
theo quy định mới đối với quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Theo Tùng
Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư