Kinh tế Thế giới  
Kết nối phát triển Việt Nam – Trung Quốc và triển khai sáng kiến "Vành đai và con đường”
Cập nhật: Thứ tư, 23/8/2023 | 11:08:18 Sáng
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Trong bối cảnh kết nối trở thành xu hướng lớn của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác, kết nối trong các lĩnh vực hạ tầng, thương mại và đầu tư, kết nối chính sách, kết nối con người. Năm 2017, hai nước đã ký kết và bước đầu triển khai thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và con đường” (BRI). Thời gian qua, hợp tác, kết nối Việt Nam – Trung Quốc nói chung, kết nối trong khung khổ BRI nói riêng, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế. 

 

Hợp tác Việt Nam – Trung Quốc trong bối cảnh mới

Hợp tác, kết nối phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới đã và đang có nhiều biến động, nhất là từ năm 2018, với một số nét đáng chú ý như sau:

Thứ nhất,kết nối kinh tế, mà trong đó kết nối hạ tầng giao thông là một trọng tâm,đang trở thành một xu hướng lớn của các quốc gia trong khu vực. Từ năm 2013, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã xác định một kế hoạch kết nối APEC đến năm 2025 với ba lĩnh vực trọng tâm là kết nối thể chế, kết nối vật chất (bao gồm hạ tầng) và kết nối con người. Ở khu vực Đông Nam Á, một cộng đồng chung - Cộng đồng ASEAN (AC) - đã ra đời cuối năm 2015 và các nước trong khu vực đang tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN giai đoạn đến năm 2025. BRI và các sáng kiến hợp tác tiểu vùng khác cũng chú trọng các lĩnh vực kết nối nêu trên. Tuy nhiên, kết nối hạ tầng ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung, đang trở thành một trong những lĩnh vực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây[1].

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt, đặc biệt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ và Trung Quốc đang đối lập, hoặc có quan điểm khác nhau trong một số lĩnh vực (công nghệ, tiền tệ, an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu…). Xu hướng quan hệ quốc tế nêu trên tác động sâu sắc đến tiến trình toàn cầu hóa và hợp tác khu vực và các cường quốc đang chuyển trạng thái từ "vừa hợp tác, vừa đấu tranh” sang trạng thái "vừa đấu tranh, vừa hợp tác". Các lĩnh vực cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bao gồm cạnh tranh trong triển khai các sáng kiến mang tính chiến lược khu vực và toàn cầu, chẳng hạn BRI (do Trung Quốc khởi xướng), Khung khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (do Mỹ dẫn dắt)…

Thứ ba,kinh tế toàn cầu (bao gồm Việt Nam và Trung Quốc) bước vào giai đoạn nhiều khó khăn thời "hậu Covid-19". Các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 chậm lại, chỉ ở mức khoảng 2,1% (theo WB), 2,7% (theo OECD). Tại Trung Quốc, đầu năm 2023, rất nhiều chuyên gia lạc quan rằng kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng, sau đại dịch, nhưng thực tế đà tăng trưởng kinh tế đang yếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tiêu dùng thấp, lĩnh vực bất động sản trì trệ. Tại Việt Nam, tố độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% và dự báo khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023. Trong bối cảnh nêu trên, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế là nhu cầu cấp bách của cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam.

Tình hình hợp tác song phương và triển khai BRI

(1) Kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với BRI

Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và bước đầu triển khai thực hiệnBản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và Con đường". MOU nói trên được ký ngày 12/11/2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, hai bên cam kết hợp tác, kết nối trên năm lĩnh vực gồm:kết nối chính sách, hợp tác đầu tư và kết nối hạ tầng, kết nối thương mại, kết nối tài chính và kết nối con người. Về Kế hoạch thúc đẩy kết nốigiữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và Con đường”: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực trao đổi với Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) để có thể hoàn thiện, ký kết dự thảo Kế hoạch này trong năm 2023.

(2) Hợp tác trên Tuyến hành lang quốc tế mới về thương mại trên bộ, trên biển

Trong khung khổ BRI, Trung Quốc đẩy mạnh triển khai Tuyến hành lang quốc tế mới về thương mại trên bộ, trên biển(dưới đây gọi là Tuyến hành lang mới).Đây là tuyến vận tải kết hợp đường sắt, đường biển từ Trùng Khánh qua Quý Châu, Quảng Tây và theo hướng biển đến các cảng quan trọng của một số nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore.Theo đường bộ qua Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, đến Singapore.

Hiện tại, trên Tuyến hành lang đoạn từ Trùng Khánh qua Việt Nam có ba loại hình vận tải kết hợp giữa đường bộ, đường sắt, đường biển có thể kết nối đến các cảng của Trung Quốc (như Phòng Thành, Khâm Châu ở Quảng Tây) và các cảng của Việt Nam (như Hải Phòng). Xe hàng hóa xuất phát từ Trùng Khánh chỉ mất 3 khoảng ba ngày là tới Hải Phòng. Từ năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics của Trung Quốc và Việt Nam như:Công ty TNHH logistics quốc tế ASEAN - Trùng Khánh,Công ty TNHH quản lý chuỗi cung ứng Yuxinou Trùng Khánh,Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco); Công ty quốc tế Delta… đã vận tải liên vận hàng trăm nghìn container hàng hóa từ Trùng Khánh qua Việt Nam đến các nước ASEAN và từViệt Nam qua Trung Quốc đi nước thứ ba (châu Âu, Nga, các nước Trung Á, Mông Cổ…).

(3) Một số lĩnh vực hợp tác khác

Lĩnh vực hạ tầng:Hai bên chưa triển khai được các dự án lớn có ý nghĩa kết nối chiến lược. Tuy nhiên, một số dự án kết nối giao thông xuyên biên giới đã và đang được quan tâm nghiên cứu, triển khai (nghiên cứu khả thi đường sắt khổ 1.435m Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; xây dựng cầu Bắc Luân ở Móng Cái; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng ở Lào Cai; hợp tác thí điểm xây dựng cửa khẩu số giữa hai địa phương Lạng Sơn và Quảng Tây...).

Lĩnh vực đầu tư, thương mại:Từ năm 2018 đến nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc hiện đã đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đến hết tháng 5/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc có 3.720 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký 24,9 tỷ USD. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng liên tục trong nhiều năm qua, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 củaTrung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 63,2 tỉ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái - theo thống kê của Hải quan Việt Nam.

- Các lĩnh vực khác:Hợp tác tài chính còn hạn chế, chủ yếu do Việt Nam không có nhu cầu sử dụng vốn vay của Trung Quốc do lãi suất cao hơn các nguồn vốn vay khác. Các lĩnh vực kết nối con người, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương biên giới của hai nước diễn ra tương đối mạnh mẽ.

Những hạn chế, khó khăn và kiến nghị

Trong thực tế hợp tác, kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như sau:

(1) Trao đổi thông tin còn hạn chế, nhất là thông tin liên quan đến các sáng kiến hợp tác khu vực, tiểu vùng của Trung Quốc như BRI, Tuyến hành lang quốc tế mới, định hướng quy hoạch phát triển các cửa khẩu, tuyến hành lang kinh tế biên giới...

(2) Việc đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các văn bản hợp tác hai nước đã ký kết liên quan đến kết nối kinh tế xuyên biên giới còn hạn chế, chậm triển khai, hoặc chưa đạt kết quả thực chất (chẳng hạn MOU về hợp tác Hai hành lang, một vành đai).

(3) Còn nhiều "nút thắt” trong hợp tác, kết nối kinh tế giữa hai bên, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, kết nối hạ tầng; giữa hai bên chưa có các dự án kết nối mang tính chiến lược.

Để thúc đẩy kết nối phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến "Vành đai và con đường” nói riêng, chúng tôi kiến nghị hai bên quan tâm tăng cường hợp tác trên một số mặt sau:

(1) Sớm ký kếtKế hoạch thúc đẩy kết nốigiữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai' với sáng kiến "Vành đai và con đường", làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ, dự án kết nối cụ thể giữa hai nước. Bên cạnh đó, trong hợp tác BRI thời gian tới chú trọng hơn nữa vai trò của Hồng Công, coi đây là một cầu nối quan trọng để kết nối thị trường, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

(2) Các bộ, ngành, địa phương của hai nước cần tích cực, chủ động hơn trong việc kết nối chính sách, trao đổi thông tin. Một số nội dung cụ thể có thể cùng hợp tác nghiên cứu như: Nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác "Hai hành lang, một vành đai” kéo dài tới Trùng Khánh; nghiên cứu khả thi Tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội - Lạch Huyện (khổ 1.435m); trao đổi thông tin về Quy hoạch cửa khẩu và xây dựng cửa khẩu thông minh; kinh nghiệm xây dựng và quản lý cảng tự do thương mại quốc tế...

(3)Hai nước cần tích cực hợp tác tập trung giải quyết các nút thắt về thủ tục qua biên giới như hải quan, kiểm dịch… để giảm thời gian vận tải, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics và hàng hóa xuất khẩu của hai bên. Phía Việt Nam tích cực thúc đẩy phía Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là nông sản.

(4) Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối với Trung Quốc, nhất là ở khu vực biên giới; quan tâm thúc đẩy các dự án kết nối hạ tầng mang tính chiến lược, chẳng hạn như các dự án đường sắt khổ 1.435 m thuộc "Hai hành lang, một vành đai” (đã nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030). (5) Tăng cường kết nối con người, giao lưu nhân dân, hợp tác và giao lưu giữa các địa phương biên giới. Theo đó, xác định hợp tác với địa phương biên giới, các địa phương trên Tuyến hành lang quốc tế mới (Quảng Tây, Trùng Khánh) là giải pháp quan trọng để duy trì vị thế "cầu nối" của Việt Nam trong kết nối Trung Quốc – ASEAN. Đồng thời, nhanh chóng khôi phục lại Diễn đàn hữu nghị Nhân dân và các hoạt động giao lưu nhân dân như trước đại dịch Covid-19.

 TS. Nguyễn Quốc Trường

Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch  và Đầu tư

(Tham luận tại Hội thảo về thực trạng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, do Ban ĐNTƯ tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7/2023)

[1].Tháng 9/2021, tại cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất, nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã đạt đồng thuận đẩy nhanh vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở hơn 30 quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để cạnh tranh với BRI.

Các tin khác  
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
 
 
Bài đọc nhiều nhất  

Bản quyền thuộc Viện Chiến lược phát triển. Địa chỉ: 65 Văn Miếu - Đống Đa - Hà Nội – Việt Nam
Điện thoại:+84-4-38431848 Fax:+ 84-4-38452209 Email: clpt@mpi.gov.vn
Giấy phép số 549/GP-BC do Bộ Văn hoá - Thông tin (Hiện nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 19 tháng 12 năm 2004.
Ghi rõ nguồn "Viện Chiến lược phát triển" khi phát hành lại thông tin từ website này.
ictgroup.vn