Từ 12/12/2014 đến 20/1/2015, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa chủ trì thảo luận trên website này về hành động chính sách cho sự phát triển của Việt Nam đến 2035.
Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi và bình luận có giá trị trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các độc giả Việt Nam và quốc tế. Do thời gian có hạn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và bà Victoria Kwakwa không thể trả lời toàn bộ các câu hỏi được. Chúng tôi rất trân trọng quý độc giả đã dành thời gian và sự quan tâm tới thảo luận này.
Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đang cùng thực hiện một nghiên cứu về con đường để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia giàu có và hiện đại, mang lại sự thịnh vượng cho mọi người dân.
Kể từ những năm 1980, Việt Nam đã duy trì tăng trưởng với tốc độ cao mà không làm gia tăng đáng kể bất bình đẳng, một thành tích mà ít nước cùng trình độ phát triển có thể đạt được. Kể từ đầu những năm 1990, hàng chục triệu người đã thoát nghèo và nhóm 40% dân số thu nhập thấp nhất trong xã hội đã cùng tiến hòa nhịp với tốc độ tăng trưởng.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Báo cáo Việt Nam 2035 sẽ phân tích các hành động chiến lược và chính sách quan trọng để Việt Nam đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, phát huy thành tích tăng trưởng hòa nhập tạo phúc lợi cho mọi người.
Các bạn hãy đóng góp ý kiến vào công tác soạn thảo báo cáo. Hãy chia sẻ với chúng tôi ý tưởng và giải pháp của bạn nhằm giải quyết các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Chúng tôi muốn nghe ý kiến của các bạn – các công dân Việt Nam và bạn bè quốc tế – để làm cho báo cáo này trở thành một tài liệu hoàn thiện và thiết thực đối với sự phát triển của Việt Nam.
Hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng báo cáo và mới xác định một số vấn đề đầu tiên cần nghiên cứu.
Một thách thức quan trọng đối với Việt Nam lúc này là quay lại tốc độ tăng trưởng cao. Chìa khóa ở đây là chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng được dẫn dắt bởi khu vực công và đầu tư vốn sang mô hình tăng trưởng dựa vào khu vực tư nhân và dựa trên tăng năng suất lao động nhờ khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh thông qua lựa chọn xanh trong các ngành năng lượng, cấp nước và giao thông, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Trong khi bất bình đẳng về thu nhập ở Việt Nam không quá cao, bất bình đẳng về cơ hội đang là một vấn đề ngày càng được quan tâm. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề nghèo dai dẳng, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số, và những thách thức mới nổi, ví dụ tình trạng già hóa dân số. Chính sách an sinh xã hội cần đồng bộ hóa các vấn đề bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, và các chương trình việc làm. Ngành y tế và giáo dục cần đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của một nền kinh tế hiện đại, công nghiệp hóa và tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mọi người.
Cải cách thể chế cần bắt kịp với phát triển kinh tế và đảm bảo tăng trưởng hòa nhập mang lại phúc lợi cho mọi người. Các thể chế nhà nước cần được xem xét kỹ lưỡng để nhà nước trở thành một nhân tố thúc đẩy thành công của nền kinh tế.
Hãy cho chúng tôi biết liệu đó có phải là những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần giải quyết để trở thành một nước công nghiệp trong thời gian ngắn nhất? Theo bạn chúng ta cần xem xét thêm vấn đề gì nữa?
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ông
Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà
Victoria Kwakwa, sẽ tham gia trên website này (từ nay đến hết ngày 20 tháng 1 năm 2015) về các giải pháp cho con đường phát triển của Việt Nam đến năm 2035 mà báo cáo sẽ đề cập. Hãy gửi ý kiến bình luận trước cho chúng tôi theo mẫu phía dưới.
Từ
2/2 đến 14/2/2015, các chuyên gia của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới sẽ chủ
trì chương trình thảo luận về chủ đề đô thị hóa và biến đổi không gian vì sự
phát triển của Việt Nam đến năm 2035.
Việt
Nam đang trong tiến trình đô thị hóa và
phát triển kinh tế. 33 % dân số Việt Nam hiện sống ở khu vực thành thị và đóng
góp 51 % cho GDP quốc gia. Dân số đô thị tăng lên chỉ hơn 3 % mỗi năm, nghĩa là
sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 25 năm nữa.Các tổ chức, đơn vị cung cấp
dịch vụ cũng đang tăng lên, hỗ trợ cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Sự
chuyển đổi của Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại không thể
thiếu việc lên kế hoạch cho quá trình đô thị hóa.
Quá
trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ với hàm lượng tri thức cao rất cần diễn ra
tại các thành phố sôi động, hiện đại. Việt Nam đã thu được nhiều lợi ích từ đô
thị hóa trong vài thập kỷ qua, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy cần phải đánh
giá lại tình hình phát triển đô thị và các yếu tố chi phối đô thị hóa ở Việt
Nam như: thị trường; các yếu tố sản xuất
(đất đai, lao động và nhân lực); tài chính công; điều chỉnh phát triển đô thị
và cung cấp dịch vụ để có sự tương thích với nhu cầu của một nền kinh tế thị
trường hiện đại .
Trong
báo cáo Việt Nam 2035, một trong những lĩnh vực quan trọng cần phân tích mà
nhóm nghiên cứu về đô thị hóa và biến đổi không gian đang xem xét là liệu thể
chế hiện nay có thể giúp lập kế hoạch tốt hơn cho quá trình đô thị hóa; những
khía cạnh quan trọng nào mà các nhà hoạch định chính sách cần phản ánh trong
luật/ quy định; và liệu chúng ta có nên theo đuổi các chính sách phát triển cân
bằng về không gian? Theo bạn, các thành
phố của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào trong vòng 20 năm nữa?
Các
chuyên gia của chúng tôi bao gồm ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Chính
sách công , Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp
Nông thôn; ông Somik Lall, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc nhóm Hoạt động Xã
hội, Đô thị và Khả năng phục hồi toàn cầu của Ngân hàng Thế giới; ông Gabriel
Demombynes, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới; và bà Madhu
Raghunath, chuyên gia cao cấp về đô thị của Ngân hàng Thế giới có trụ sở tại Hà
Nội. Chúng tôi mong muốn được các bạn chia sẻ, trao đổi ý kiến về vấn đề đô thị
hóa ở Việt Nam trong vòng 20 năm tới.
Từ 11-25/3, các chuyên gia Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã chủ trì một cuộc thảo luận về giáo dục bậc cao và đổi mới sáng tạo – động lực thúc đẩy phát triển Việt Nam từ nay tới năm 2035.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm. Nói rộng hơn, cả lý thuyết và thực tế đã qua đều cho thấy các nước sẽ đi theo nhiều quỹ đạo phát triển khác nhau, tùy thuộc vào khả năng nhận biết và nắm bắt tiến bộ công nghệ của họ.
Trong vài thập kỷ qua, thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam chủ yếu dựa trên vốn đầu tư và lao động. Số lao động ngày càng tăng và các công ty đầu tư ngày càng nhiều vào máy móc, thiết bị. Tăng trưởng sẽ không thể tiếp tục theo cách truyền thống. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, cụ thể là đổi mới sáng tạo được dẫn dắt bởi công nghệ. Ví dụ trong nông nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học đã đóng góp 30% mức tăng trưởng của ngành.
Muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo cần phải có nguồn tài chính và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hay còn gọi là NIS. Các thành phần trong NIS bao gồm các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan công và tư - những cơ quan thực hiện nghiên cứu, nâng cao tri thức, phát triển công nghệ hoặc thương mại hóa chúng. Hiện nay, tại Việt Nam, chi cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) chỉ chiếm 1,5% ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư STI chính, chiếm khoảng 65%-70% tổng đầu tư xã hội cho STI. Các doanh nghiệp hầu như không đầu tư nghiên cứu & phát triển (R&D) để đẩy mạnh tăng trưởng.
Nguồn nhân lực trong STI – chìa khóa thành công đối với đổi mới sáng tạo – còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng. Giáo dục và đào tạo đã còn nhiều mặt hạn chế, thường quá tập trung vào lí thuyết nên không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Ngoài vấn đề kinh phí, quản trị giáo dục bậc cao ở Việt Nam còn rất yếu về kỹ năng và chưa có các chính sách ưu đãi hợp lý . Mối liên kết giữa các trường đại họcvà viện nghiên cứu, giữa cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chất lượng nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ xã hội thấp, chính sách, cơ chế chưa phù hợp; hệ thống đào tạo nguồn nhân lực nhìn chung yếu kém.
Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư rất hạn chế vào nghiên cứu & phát triển (R&D) và mối liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu khu vực công còn yếu. Ưu tiên hàng đầu hiện nay phải là tăng cường năng lực nghiên cứu nội bộ - điều đó đòi hỏi phải có kỹ năng về thiết kế, chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và R&D – trong nhiều doanh nghiệp.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035, nhóm nghiên cứu về giáo dục bậc cao và đổi mới sáng tạo tập trung vào một số lĩnh vực như sau:
- Cần áp dụng những biện pháp cải cách gì đối với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp) để nâng cao năng lực tiếp nhận công nghệ, nâng cao nhu cầu về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự xuất hiện các doanh nghiệp sáng tạo?
- Cần áp dụng các biện pháp cải cách gì để nâng cao năng suất nghiên cứu và hiệu quả của các trường đại học, viện nghiên cứu, và tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan này với nhau và với doanh nghiệp; và
- Cần đổi mới hệ thống giáo dục như thế nào để có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản lý và kinh doanh?
Tầm nhìn của bạn về đóng góp của đổi mới sáng tạo vào sự phát triển bền vững 20 năm tới là gì và đâu là những nhân tố chính để đảm bảo các hệ thống sáng tạo hiệu quả và năng động?
Các chuyên gia tham gia trao đổi ý kiến và trả lời câu hỏi bao gồm: Ông Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN; Ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Ông Michael Crawford, chuyên gia giáo dục cao cấp; Ông Suhas Parandekar, chuyên gia kinh tế cao cấp, Nhóm Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng Thế giới.
Vui lòng xem câu hỏi và các câu trả lời trong phần bình luận dưới đây.